Ông Nguyễn Văn Hội – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, cả nước hiện có hơn 8.510 chợ (chợ nông thôn chiếm 76%, chợ thành thị chiếm 24%), trong đó có 94 chợ đầu mối bán buôn trên khắp cả nước (chiếm 1,1%), nhiều nhất ở Hà Nội, Tp.HCM, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Tháp…
Thương lái “đạo diễn” chợ
Khảo sát của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, các mặt hàng nông sản tại chợ rất đa dạng nhưng đa phần không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm… do các thương lái gom hàng từ những trang trại, hộ gia đình. Ngoài ra, việc mua bán còn mang tính cổ điển, không có hợp đồng mua bán.
Đồng thời công tác quản lý chưa tốt đang tạo ra “lỗ hổng” cho các thương lái mặc sức thao túng giá cả, nguồn cung hàng hóa tại chợ, khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc hàng hóa gặp khó khăn, gây nhiều trở ngại cho các HTX và người nông dân trong quá trình đưa hàng vào chợ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Phú (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), cho biết, HTX có 15,5ha rau an toàn VietGAP, đạt sản lượng mỗi năm 810 tấn rau củ quả các loại. Tuy nhiên, ngoài lượng rau HTX tự sơ chế và bán vào các bếp ăn, cửa hàng RAT, hơn 50% sản lượng hàng hóa vẫn phải phụ thuộc vào thương lái đến mua buôn.
Tương tự, Giám đốc HTX RAT Lĩnh Nam (Hà Nội), ông Nguyễn Mạnh Tùng, chia sẻ: “Các chợ đầu mối giữ vai trò chủ đạo trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng hoạt động buôn bán, tiêu thụ tại các chợ đang bị thương lái chi phối. Các sản phẩm của HTX dù tiếp cận được thị trường này cũng khó cạnh tranh nổi với họ”.
Hiện tại, các chợ đầu mối đang tồn tại hai phương thức tiêu thụ: nông dân mang sản phẩm ra chợ bán, chiếm khoảng 5%, còn lại hơn 90% do thương lái thu mua rồi đưa về chợ bán buôn cho các tiểu thương. Do đó, thương lái trở thành “đạo diễn” chính tại các chợ, có khả năng chi phối giá cả, chất lượng, sản phẩm tại chợ.
“Khi xảy ra mưa bão, người dân chỉ nâng giá nông sản khoảng 5 – 7% so với ngày thường, nhưng thương lái nâng giá 30 – 50%. Đồng thời để thu lợi, thương lái còn ép bán sản phẩm an toàn với giá như nông sản thông thường, thậm chí, nông sản Trung Quốc cũng được trà trộn vào để kiếm lời”, ông Hội lấy dẫn chứng.
![]() |
HTX và nông dân vẫn khó tiếp cận chợ đầu mối do bị thương lái chi phối
Cửa nào cho HTX, nông dân?
Trước những khó khăn đang gặp phải, các HTX nông sản và nhiều người nông dân kiến nghị chính quyền địa phương và ban quản lý chợ tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản, giảm chi phí trung gian, tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp đưa hàng hóa vào chợ đầu mối.
Để kiểm soát nông sản ở các chợ đầu mối cũng như tạo sự công bằng trong kinh doanh, bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX RAT Tự Nhiên (Mộc Châu, Sơn La), kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các sản phẩm đưa vào chợ đầu mối để tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm an toàn cạnh tranh được tại chợ đầu mối.
Giám đốc HTX RAT Đại Lan (Thanh Trì, Hà Nội), ông Đặng Bá Thắng, đề nghị: “Các ngành chức năng cần sắp xếp các khu bán hàng riêng biệt trong chợ đầu mối và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản. Việc quy hoạch rõ nơi bán sản phẩm an toàn sẽ tạo thuận lợi cho người nông dân tiêu thụ nông sản an toàn với giá trị thực và giúp người tiêu dùng phân biệt được chất lượng sản phẩm”.
Ở góc độ quản lý, theo các chuyên gia, cần kiểm soát “đường đi” của nông sản, thực phẩm bằng cách liên kết chặt chẽ từ vùng sản xuất đến chợ đầu mối và hệ thống bán lẻ.
Đồng thời Nhà nước cần kết nối tiêu thụ nông sản giữa HTX với bếp ăn tập thể của các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, hạn chế phụ thuộc vào thương lái thu mua và điều phối thị trường như hiện nay.
Đánh giá về hoạt động của các chợ nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng các cơ quan ban ngành chưa phát huy được vai trò điều tiết hoạt động và quản lý chất lượng tại chợ. Vì vậy, việc xây dựng, nâng cấp chợ đầu mối nông sản an toàn là vấn đề cấp thiết.
“Phải đẩy nhanh xây dựng chuỗi liên kết từ các địa phương, vùng nguyên liệu đến các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối để cung cấp và lan tỏa rộng đến các thành phố, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo lợi nhuận của người kinh doanh và người sản xuất, đặc biệt là quyền lợi của người nông dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Hiến Nguyễn