![]() |
Biển Đà Nẵng vắng vẻ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh TL) |
Qua 3 đợt dịch bùng phát trước, bằng nhiều cách, doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng bám trụ thị trường và đẩy mạnh kích cầu khi cơ hội đến. Thế nhưng, khi dịch quay trờ lại, du lịch dường như bị "hắt hủi" đầu tiên.
Phấp phỏng hủy tour
Dịch bùng lên khi cả nước bắt đầu bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Dù đa số các tour đặt trước đó tại các địa phương không có dịch bùng phát vẫn tiếp tục khởi hành theo lịch trình, tuy nhiên một số điểm thông báo đóng cửa, hạn chế người vào tham quan khiến việc tổ chức đoàn bị ảnh hưởng, xáo trộn khá nhiều. Vấn đề này gây tâm lý không thoải mái cho du khách, còn nhà điều hành tour gặp khó khăn vì phát sinh nhiều dịch vụ thay thế.
Sau đợt nghỉ lễ, dịch Covid-19 diễn biến khó lường hơn, các công ty du lịch đã bắt đầu nhận yêu cầu hủy tour từ du khách.
Đã đặt trọn gói vé máy bay, phòng khách sạn lẫn combo dịch vụ ăn uống để gia đình có kỳ nghỉ ở Quy Nhơn vào cuối tháng 5, nhưng chị Thu Hương (Thanh Xuân - Hà Nội) đành hủy, vì đi chơi cũng bất an.
Chị Hương cho biết đã chuyển khoản hết gần 30 triệu đồng cho chuyến đi của gia đình đến Quy Nhơn nhưng vì hủy quá sát thời điểm đi, nên chị chỉ hy vọng phía dịch vụ hỗ trợ hoàn được phần nào.
“Dù tiếc tiền thật, nhưng không thể bất chấp khi dịch bệnh, khi mọi tổ chức đang kêu gọi người dân hạn chế đến chỗ đông người mà mình lại làm ngược lại, nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì lúc ấy hối cũng không kịp”, chị Hương nói.
Không riêng gì gia đình chị Hương mà rất nhiều gia đình khác cũng trong tình cảnh tương tự, khiến các đơn vị lữ hành, công ty du lịch "dở khóc dở cười" bởi đã trót tung những gói combo nhằm kích cầu du lịch nội địa thời gian qua, nhưng cuối cùng khách vẫn cứ hủy, hoãn.
Các công ty du lịch cũng cho biết, hiện nay, nhiều tour đến các điểm ở miền Trung và miền Bắc đã bị khách huỷ. Tuy nhiên, các tour du lịch biển ở một số tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Phú Quốc hay miền Tây…, hiện tượng huỷ tour chưa xảy ra.
Dù vậy, trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay, hầu hết các công ty lữ hành rất lo lắng xu hướng huỷ tour sẽ còn tiếp diễn. “Hiện nay, một số tỉnh ở miền Bắc đang cho học sinh nghỉ học, nếu diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, có thể trong tháng 6, học sinh vẫn đi học bù. Do đó, sang tháng 6, lượng khách huỷ tour sẽ rất lớn”, giám đốc một công ty lữ hành phân tích.
Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, thị trường du lịch bắt đầu bước vào mùa cao điểm, nếu trong tháng 5 chưa khống chế được dịch, thiệt hại cho ngành du lịch sẽ không nhỏ. "Cao điểm hè đang rất thuận lợi, chúng tôi cũng lên kế hoạch đến tận tháng 9. Tuy nhiên với tình hình này, mùa hè sẽ khó khăn hơn. Dù đã sẵn kịch bản các tình huống, nhưng chúng tôi luôn mong muốn giảm thiểu ảnh hưởng ở mức thấp nhất, để có thể tạo đà cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo", đại diện TST Tourist nói.
Kịch bản ứng phó
Trước tình hình này, nhiều công ty du lịch đã lên kịch bản ứng phó trong các tháng tới, trong đó có cao điểm hè.
Trước mắt, các công ty du lịch cho biết, sẽ tạm dừng tất cả các tour đến địa phương đang có dịch bệnh. Cùng với đó, những đoàn tour đi theo nhóm từ 20 người trở lên sẽ tạm hoãn thực hiện trong tháng 5 này, nếu dịch được kiểm soát tốt trong tháng 6 mới bắt đầu triển khai.
Ngoài ra, các công ty du lịch cũng khuyến cáo khách hàng không nên huỷ tour vào thời điểm này. Do chưa nhận được khuyến cáo hoặc thông báo của cơ quan chức năng về việc tạm ngưng tổ chức tour du lịch, nên khách hàng chủ động hủy tour sẽ được thực hiện theo chính sách phạt hủy.
“Với những khách hàng huỷ tour đến các địa điểm có dịch bùng phát trong tháng 5, công ty sẽ hỗ trợ tư vấn chuyển đến địa điểm an toàn ở khu vực phía Nam. Các điểm đến sẽ vẫn là những điểm an toàn và được phép tổ chức tour theo điều kiện thực tế. Trường hợp khách không muốn chuyển địa điểm sẽ được bảo lưu chi phí bằng hình thức coupon và chọn thời gian du lịch sau. Nhưng riêng vé máy bay thì không, vì tất cả các hãng hàng không hiện đều chưa có lệnh cấm bay”, đại diện TST Tourist cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng, việc kích hoạt bản đồ số quốc gia điểm đến an toàn sẽ giúp du lịch Việt Nam hạn chế tình trạng "dẫn khách chạy lòng vòng", vì trong thời điểm dịch bệnh vẫn có những điểm đến an toàn, phân rõ khu vực an toàn với nơi có ca lây bệnh, lây nhiễm để du khách nắm rõ.
"Nếu chúng ta có bản đồ vùng an toàn thì du lịch vẫn có thể duy trì các chuyến đi với cam kết luôn bảo đảm các quy định về phòng dịch cho du khách, như: khai báo y tế, đeo khẩu trang, nước rửa tay, khử khuẩn phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, cả nơi đón khách và công ty tổ chức tour cũng tuyệt đối không được lơ là. Sự kỹ lưỡng giúp môi trường du lịch an toàn để có thể duy trì các tour đoàn", ông Kỳ nói.
Hoàng Hà