Khi kinh tế thế giới phục hồi và Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID, giá tiêu sẽ phục hồi. |
Cụ thể, tại Gia Lai, tiêu đang được các thương lái thu mua ở mức 60.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 63.000 đồng/kg, tiếp tục duy trì mức cao nhất cả nước.
Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu duy trì ở mức 61.000 đồng/kg. Tương tự, tại Đồng Nai, Bình Phước, giá tiêu ở mức 62.000 đồng/kg.
Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tăng nhập khẩu hồ tiêu trở lại được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường trong thời gian tới.
Hiện, Trung Quốc đang nỗ lực nối lại các hoạt động du lịch, trong khi tiến độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Việt Nam cũng diễn ra nhanh hơn. Một số cửa khẩu sau thời gian dài đóng cửa nay đã được thông quan trở lại.
Bên cạnh đó, một số thị trường lớn khác của Việt Nam cũng đang tăng nhập khẩu để phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu hiện tại khó giảm sâu hơn nữa vì hàng tồn kho đã dần cạn kiệt.
"Trước đó, nhiều đại lý đẩy mạnh "cắt lỗ" mặt hàng tiêu để có tiền mua cà phê khi vụ thu hoạch đang tới. Hàng tồn kho tiêu còn lại rất ít nên áp lực bán ra sẽ không còn và giá tiêu khó lòng giảm tiếp", ông Bính nói.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại rủi ro có thể đẩy giá tiêu xuống hơn nữa là tình hình kinh tế toàn cầu trong quý I/2023 vẫn chưa thể cải thiện. Trong khi đó, thời điểm này cũng là lúc Việt Nam thu hoạch, áp lực nguồn cung lớn.
"Nếu kinh tế toàn cầu vẫn ở chiều hướng xấu như hiện tại trong quý I/2023, giá tiêu có thể về mốc 50.000 đồng/kg. Nhưng ở chiều ngược lại, khi kinh tế phục hồi và Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID, giá tiêu sẽ phục hồi bởi tồn kho các thị trường nhập khẩu cũng dần cạn trong khi mức giá hiện tại khá hấp dẫn", ông Bính nói.
Như Yến