Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá lợn hơi đang ở mức thấp. |
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi hôm nay tăng nhẹ. Trong đó, tỉnh Hưng Yên nâng giá thu mua lên mức 58.000 đồng/kg sau khi tăng thêm 1.000 đồng/kg, ngang bằng với Hà Nội.
Thấp hơn một giá ở mức 57.000 đồng/kg là tỉnh Tuyên Quang. Các tỉnh thành còn lại thu mua ổn định với giá 56.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại Bình Thuận đang thu mua lợn hơi tại mức 57.000 đồng/kg, ngang bằng với tỉnh Quảng Trị. Mức thấp nhất khu vực được ghi nhận tại Hà Tĩnh là 54.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đang thu mua ổn định quanh mức trung bình là 56.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng giảm trái chiều từ 1.000 -3.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại TP HCM và Tiền Giang đang cùng thu mua lợn hơi với giá 56.000 đồng/kg. Tỉnh Bến Tre đưa mức thu mua về 55.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Ở chiều ngược lại, Kiên Giang điều chỉnh tăng thêm một giá lên mốc 57.000 đồng/kg. Tỉnh Cà Mau tăng cao nhất 3.000 đồng/kg lên mốc 60.000 đồng/kg. An Giang dù giá lợn hơi vẫn đứng yên nhưng ở mức cao nhất khu vực là 61.000 đồng/kg.
Có thể thấy, giá lợn hơi hiện ghi nhận tăng so với đầu năm nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ người chăn nuôi mà cả doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang đứng trước áp lực giá nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương, lúa mì tăng cao trong khi giá bán giảm.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi báo cáo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) công bố doanh thu quý đầu năm tăng nhẹ 13,3% lên 2.806 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 60% xuống 254 tỷ đồng. Các chi phí khác biến động không lớn, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,6 tỷ đồng, bằng 2,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất tính từ quý II/2019 của Dabaco.
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố doanh thu mảng nông nghiệp đạt 1.628 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn lỗ sau thuế gần 56 tỷ đồng, trong khi quý I/2021 mảng nông nghiệp đem về 392 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, diễn biến phức tạp của cuộc chiến Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mì, đậu tương… bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng cùng khó khăn, cản trở từ dịch bệnh đã khiến chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.
Như Yến