Cập nhật số liệu xuất khẩu (XK) thuỷ sản tháng 7/2019, Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết bước sang tháng 7, tình hình XK thủy sản có tín hiệu khả quan, tăng 9%, đưa tổng XK thủy sản tính đến hết tháng 7 đạt 4,7 tỷ USD, gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, một số mặt hàng giảm tốc trong 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu “lội ngược dòng”, trong đó có mặt hàng tôm.
Đón tín hiệu tích cực
Theo VASEP, tiếp đà xu hướng giảm từ năm 2018, nửa đầu năm nay, mặt hàng tôm tiếp tục gặp những khó khăn, sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,44 tỷ USD.
Nguyên nhân là sản lượng tôm trong nước tăng nhưng do lượng hàng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu (NK) tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, buộc các doanh nghiệp (DN) XK phải hạ giá bán. Thế nhưng XK tôm vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Theo lý giải của VASEP, trong 5 tháng đầu năm, XK tôm của các DN qua đường tiểu ngạch và mậu biên vẫn gặp khó khăn nên giá tôm nguyên liệu chưa hồi phục. Hiện nay, Trung Quốc đang siết chặt thương mại mậu biên và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, do vậy XK tôm qua biên giới không được chấp nhận. Trong khi đó, XK tôm chính ngạch qua đường biển vẫn có xu hướng tăng. Từ tháng 6, tôm chân trắng XK chính ngạch qua đường biển sang Trung Quốc tăng khoảng 1,5 lần so với tháng trước, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục đem lại kết quả khả quan trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, VASEP cho biết sang tháng 7/2019, XK tôm bắt đầu phục hồi với mức tăng ấn tượng như XK sang Mỹ tăng mạnh 37%, Trung Quốc tăng 48%, Australia tăng 56%…
Nhờ đó, trong tháng 7, XK tôm tăng 13,4%, đạt 334 triệu USD. Tính chung trong 7 tháng đầu năm đạt 1,77 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chân trắng đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 68%; XK tôm sú đạt 384 triệu USD, chiếm 23%; tôm biển đạt 181 triệu USD, chiếm 10%.
Dẫu vậy, giá trung bình XK tôm sang các thị trường này đều giảm 1 USD/kg so với năm 2018, như giá tôm XK sang Nhật Bản giảm 1 USD/kg từ 12 USD xuống 11 USD khiến cho giá trị XK sang thị trường này giảm nhẹ gần 3% xuống 329 triệu USD. Trong khi đó, giá tôm Thái Lan, Indonesia ổn định ở mức 11 USD/ kg, giá tôm Ấn Độ giảm nhẹ xuống 9,3 USD/kg.
![]() |
XK tôm sang EU có thể tăng thêm 6% trong năm 2019 nhờ EVFTA |
Lợi thế từ FTA
Đánh giá về thị trường XK tôm trong 6 tháng cuối năm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định mặc dù 6 tháng đầu năm, XK tôm gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam kỳ vọng có thể phục hồi XK sang thị trường EU nhờ tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết ngày 30/6/2019.
Theo cam kết, thủy sản Việt Nam XK sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn với lộ trình dài nhất là 7 năm. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế NK vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.
Với những lý do đó, các DN và chuyên gia kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, XK mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam sẽ có nhiều bứt phá.
Theo thông tin từ VASEP, mặt hàng tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức 20% xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác được giảm theo lộ trình 3 – 5 năm, riêng tôm chế biến có lộ trình giảm thuế 7 năm.
“Với những ưu đãi thuế quan và môi trường kinh doanh, các DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia cùng XK tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan. EVFTA sẽ góp phần giúp XK tôm của Việt Nam vào EU tăng thêm 4 – 6% trong năm nay”, VASEP dự báo.
Dưới góc nhìn của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, ngành tôm XK sẽ có lợi thế sớm nhất.
Ông Lực phân tích, đầu tiên là tôm Việt Nam bán vào EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh mà chỉ có Thái Lan và Indonesia. Thứ hai là thuế suất của tôm chế biến rất cao (10 – 20%), điều này khiến các đối thủ trên càng khó cạnh tranh vì chêch lệch giá thành NK quá cao.
Lợi thế tiếp theo là trình độ chế biến tôm của các DN Việt Nam thuộc cấp cao, có thể tận dụng cơ hội này chiếm lĩnh phân khúc thị phần cao cấp. Tôm chế biến sâu sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn sản phẩm cấp thấp, các DN tôm có cơ hội gia tăng lợi nhuận và chia sẻ ít nhiều với người nuôi tôm, tạo cú hích mạnh ngành tôm Việt Nam những năm tới.
Thanh Hoa