Khảo sát thị trường ngày 15/3 cho thấy, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang dao động trong khoảng 68.500 - 72.500 đồng/kg. Trong một tuần qua, giá tiêu đã tăng thêm khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Xuất hiện giá tiêu ảo do bị đầu cơ
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết những ngày qua, rất đông thương lái trong nước đã đổ xô về đây để thu mua hồ tiêu. Hiện nay, Việt Nam đang vào chính vụ hồ tiêu, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài cũng đang đàm phán, ký kết với Việt Nam để thu mua.
Giá tiêu tăng mạnh trong một tuần qua. |
Tuy nhiên, ông Bính cho rằng, hiện tượng tăng giá hồ tiêu đột biến như một tuần qua là bất bình thường. Xuất hiện tình trạng giá tăng ảo. Ngoài chuyện người sản xuất bán cho DN xuất khẩu, còn một lượng khách hàng ngoài ngành mua để đầu cơ.
Mặt khác, tiêu tăng giá còn do yếu tố khách quan là sản lượng và năng suất giảm so với vụ trước. Mấy năm vừa qua, giá tiêu thấp quá nên nhiều chủ vườn không đủ sức đầu tư chăm bón. Một chủ vườn đã chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bỏ bê vườn tiêu.
Với tình hình này, ông Bính dự báo giá tiêu tiếp tục đi lên. Nguồn cung giảm, nhiều người trong cuộc, ngoài cuộc nghĩ rằng giá tăng nên ngay trong thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng nông dân giữ hàng không bán, thương lái cũng mua để đầu cơ. "Nhiều người có đồng tiền dư, thay vì đầu tư chứng khoán hay vàng, có thể họ nghe anh em bà con trồng tiêu nói giá đang sốt cũng đã vào đây để mua tiêu đầu cơ", ông Bính chia sẻ.
Về phía DN xuất khẩu, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Tổng giám đốc công ty CP TM DV xuất nhập khẩu Trân Châu, nhìn nhận việc giá tiêu tăng thẳng đứng như vừa qua là bất thường, bởi đây đang là thời điểm chính vụ. Dẫn tới, DN xuất khẩu tiêu đang đứng trước nguy cơ "bể" hợp đồng vì hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không về đến tay người xuất khẩu.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu từ đầu năm đến nay gần như ngồi chơi. Nếu mua vào lúc này rất mạo hiểm vì giá quá cao. Không DN nào dám mua vào vị sợ giá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Trong khi, trước đó, các DN xuất khẩu đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng ở mức thấp, đến lúc giao hàng thì không thu mua được tiêu hoặc phải mua với giá rất cao và chịu thua lỗ", ông Hiên chia sẻ.
Thận trọng trữ hàng
Theo vị đại diện DN Trân Châu, nếu DN Việt Nam không xuất được hàng, các nước đối thủ như Brazil sẽ tận dụng cơ hội để bán. Điều này dẫn đến Việt Nam mất khách hàng. Ngành tiêu đã vấp phải bài học này từ đợt tăng giá tiêu năm ngoái. Khi khách hàng đã đủ nhu cầu thì giá tiêu thế giới cũng giảm theo và chúng ta mất cơ hội.
Trước những biến động của giá thị trường hồ tiêu nội địa trong thời gian này, mới đây Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn. Theo đó, Hiệp hội cho biết số lượng hồ tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng xuất khẩu giảm 25,3%, kim ngạch giảm 6,5%.
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch COVID-19 có xu hướng suy giảm trên toàn cầu, kết hợp với sản lượng giảm ở các nước sản xuất hồ tiêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là những nguyên nhân khiến giá hồ tiêu trên thế giới có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, mức tăng chưa cao, chưa tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. Thị trường người mua cao nhất cũng như mức 3.000 USD/tấn nhưng rất ít người mua. Hiện nay, một số nhà xuất khẩu Việt Nam đã mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ Dubai do giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.
Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, Hiệp hội cảnh báo các DN xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những trường hợp đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi DN đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng như thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm, số lượng và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.
Đối với các địa phương và người nông dân cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.
Thy Lê