Trong một báo cáo mới đây về quản trị doanh nghiệp (QTDN), công ty Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi các DN Việt Nam nên cải thiện đáng kể về quản trị công ty nhằm đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn và thu hút được nhiều đầu tư hơn.
Tăng lợi nhuận nhờ cải thiện quản trị
Báo cáo của IFC về “Quản trị công ty ở Việt Nam - Những câu chuyện thành công” công bố vừa qua tại Tp.HCM đã nêu bật thành công của hai DN điển hình, là công ty CP Chứng khoán Tp.HCM (HSC) và công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
IFC, tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi (đang hỗ trợ hơn 2.000 DNTN trên khắp thế giới, riêng năm tài chính 2015, tổng đầu tư dài hạn tại các nước đang phát triển đạt gần 18 tỷ USD), cho rằng sau một loạt các cải cách, hai DN này đã trở thành những điển hình về cải thiện quản trị công ty trong số các công ty thuộc danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư vốn tư nhân ở Việt Nam.
Theo nhận định của IFC, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, hiệu quả hoạt động kém cùng với lợi nhuận và thị phần giảm sút đã dẫn tới những thay đổi mang tính nền tảng trong hoạt động quản trị tại HSC, một công ty môi giới chứng khoán thành lập năm 2003.
Nhiều cải cách quan trọng đã giúp cải thiện hiệu quả của Hội đồng Quản trị (HĐQT) của HSC, trong đó có việc mở rộng HĐQT bằng cách tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập và thành viên HĐQT phi điều hành nhằm bảo đảm tính khách quan và độc lập của HĐQT.
“Đối với các nhà đầu tư, quản trị tốt là chỉ số tin cậy để đánh giá một DN được quản lý tốt và có khả năng thích ứng”, ông Lê Anh Minh - thành viên HĐQT của HSC do cổ đông Dragon Capital bổ nhiệm, chia sẻ.
Theo ông Minh, các công ty Việt Nam có xu hướng tập trung vào việc gia tăng lợi nhuận trước mắt, thay vì đầu tư và thúc đẩy quản trị công ty tốt. Trường hợp của HSC đã chứng minh rằng quản trị công ty tốt sẽ giúp đạt được sức mạnh tài chính bền vững, từ đó mang lại giá trị dài hạn cho các cổ đông. Chính những cải thiện trong quản trị công ty đã giúp HSC trở thành công ty môi giới hàng đầu trên Sở GDCK Tp.HCM và Hà Nội, với tổng thị phần đạt 10,6% năm 2014, so với 3,5% năm 2007. Năm 2014, công ty này đạt lợi nhuận sau thuế 17,8 triệu USD, mức cao nhất kể từ khi thành lập.
Tương tự, từ năm 2006 - 2014, chuỗi bán lẻ điện thoại di động MWG có mức tăng lợi nhuận ròng gấp hơn 100 lần, có lúc lợi nhuận ròng đạt tới 31,5 triệu USD. Công ty cũng tăng gấp đôi giá trị thị trường chỉ trong 1 năm. Những thành tích này là kết quả trực tiếp của việc cải thiện và đa dạng hóa HĐQT, với việc bổ sung 3 thành viên HĐQT độc lập.
Các biện pháp để giảm nhẹ xung đột lợi ích và quản trị gia đình đã được áp dụng nghiêm túc, bao gồm việc các thành viên HĐQT thoái vốn khỏi phần lớn các hoạt động kinh doanh riêng và áp dụng các quy định rõ ràng liên quan đến việc tuyển dụng người thân.
Quản trị tốt sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của DN Việt khi hội nhập sâu
Tạo lực cho tăng trưởng
Ông Chris Razook, Trưởng Bộ phận Tư vấn quản trị công ty của IFC Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng những câu chuyện thành công của một số DN như vậy là minh chứng rõ nét cho tác động tích cực của quản trị công ty tốt đối với hoạt động kinh doanh.
“Rõ ràng, hoạt động quản trị công ty tốt cho phép các công ty giảm nhẹ rủi ro, ngăn ngừa những sai sót trong quản lý, tạo ra lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông và thu hút được vốn để tạo nguồn lực cho tăng trưởng”, ông Chris Razook chia sẻ.
Thực tế, để có được những DN nội địa mạnh về quản trị hiện đại không phải chuyện đơn giản, do chất lượng đội ngũ nhà quản trị tại các DN Việt Nam (với 97% DN dân doanh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ) còn rất hạn chế về kinh nghiệm trong vấn đề kinh doanh với quốc tế, thậm chí không nghĩ đến cả chuyện quản trị rủi ro dù các hiệp định thương mại (FTA) đang đến gần.
Đơn cử như trong một khảo sát gần đây của công ty Talentnet thực hiện, gồm 522 công ty, chỉ có 43 đơn vị, tức chỉ khoảng 8%, có bộ phận quản trị rủi ro độc lập trong DN. Đây chỉ là một dẫn chứng nhỏ để cho thấy những khiếm khuyết về quản trị công ty của DN Việt rất đáng mổ xẻ.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét chất lượng đội ngũ nhà quản trị tại các DN Việt hiện nay còn yếu, chủ yếu hiểu biết trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà không có nhiều kinh nghiệm về quản trị. Vì vậy, dứt khoát các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động trợ giúp DN cần phải chủ động hỗ trợ DN khắc phục điểm yếu này.
Vài ngày tới đây, các DN ở Tp.HCM sẽ được tiếp thêm nguồn “năng lượng” về QTDN khi Quỹ Đầu tư Vietnam Holding Ltd. (VNHAM) sẽ tổ chức hội thảo “Uy tín DN và những thông lệ tốt về kinh doanh có trách nhiệm”. Diễn giả là Gs. Klaus Leisinger - Chủ tịch Quỹ liên minh Giá trị toàn cầu tại Basel - Thụy Sĩ, người từng là Cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan về xây dựng Hiệp ước toàn cầu (Global Compact).
Đây là cơ hội để giới doanh nhân Việt hiểu rõ thêm những nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín DN và một nhà quản trị nên có những hành động gì cho DN của mình trong giai đoạn nhiều thách thức phía trước.
Thế Vinh