Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần trên 50%, Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo. Đáng nói, xu hướng tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ trong những tháng cuối năm dự kiến tiếp tục tăng để đáp ứng thị trường nhà ở hoàn thiện và thay thế trang thiết bị nội thất đón chào năm mới tại các thị trường.
Trong bối cảnh đó, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang tất bật hoàn thành những đơn hàng cuối năm. Tại công ty Cổ phần Woodsland, kho hàng chờ xuất khẩu luôn sẵn sàng hàng dự trữ. Người lao động và máy móc hoạt động hết công suất. Nhà máy này đang gấp rút sản xuất những tháng cuối năm để sẵn sàng cung ứng lượng lớn hàng đồ gỗ nội thất phục vụ mùa lễ hội cho các thị trường nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ làm không hết việc, sẵn đơn hàng tới hết quý I/2025. |
"Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 250 container đi các thị trường châu Âu và Mỹ, cao hơn khoảng 20% so với năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng số tăng trưởng này sẽ còn lớn hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm", bà Lê Ngọc Mai - Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Cổ phần Woodsland cho biết.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu lớn với mặt hàng cao cấp giá trị lớn cho đến mặt hàng bình dân giá cả cạnh tranh. Vì vậy, dù doanh nghiệp ở quy mô nhỏ cũng có thể tìm thấy phân khúc thị trường cho hàng hoá của mình tại Hoa Kỳ.
Được biết, so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh với hai con số; riêng thị trường Nhật Bản chỉ tăng nhẹ. Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng trên 63%.
Nắm cơ hội tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng khá như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%). Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong sản xuất, cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định: "Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 16 tỷ USD".
Có thể thấy, nhờ chú trọng mở rộng thị trường và tập trung đổi mới công nghệ, sản xuất xanh, doanh nghiệp ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực.
Năm 2025, doanh nghiệp tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, rừng có chứng nhận, đồng thời, xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất. Sau thời gian có những biến động về thị trường, lãi suất… ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đánh giá những vấn đề này đang có những tín hiệu tốt lên, tồn kho đang giảm, trong khi nhu cầu sản phẩm gỗ trên toàn cầu không giảm. Sự gia tăng trong xuất khẩu cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang hồi phục và sản phẩm của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và các thị trường nói chung sẽ tiếp tục có nguy cơ phải đối diện các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ...
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp FDI đã thành công trong việc kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh, thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong khâu tiếp thị và xúc tiến thương mại.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để cải thiện "sức khỏe", tăng trưởng bền vững, các DN ngành gỗ cần chú trọng giải pháp về kỹ thuật, nâng cao công nghệ trong sản xuất; hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển các thiết kế, nâng cao chất lượng đồ gỗ Việt Nam. Cùng đó, là có các giải pháp quản trị doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên chuyển đổi số.
Trước những thách thức đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại ngành chế biến gỗ, nhất là qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành.
Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.
Bộ Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Sau đó, đánh giá nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU.
Hồng Hương