Theo Ts. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ở góc độ kinh tế vĩ mô, vấn đề tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước vẫn là sự chờ đợi của DN Việt Nam.
Ngoài Nghị quyết 35/ NQ-CP, theo Ts. Trần Du Lịch, còn có hàng loạt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mang tính chất “thông điệp” của người đứng đầu Chính phủ về chủ trương: Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh. Vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để rút ngắn con đường từ Nghị quyết của Chính phủ đến đời sống thực tiễn.
Băn khoăn chuyện thực thi
Trong khi đời sống thực tiễn của DN hiện nay “muôn hình vạn trạng”, còn nỗi băn khoăn lớn của DN vẫn là ở khâu thủ tục, liệu chính sách có bị thực thi theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay không. Điều này cũng được giới DN tại Tp.HCM bức xúc phản ánh vào cuối tuần qua nhân buổi giao ban Hiệp hội và DN khu vực phía Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Đơn cử như phản ánh của ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN khu công nghiệp, khu chế xuất Tp.HCM, mỗi ngày, các DN đóng góp 1.000 tỷ đồng tiền thuế. Nhưng khi hỏi đến khả năng tồn tại, phát triển, tới 12% DN nói là rất khó khăn, 47% nói là khó khăn.
Cũng theo ông Bé, có 22% DN cho rằng thuế không minh bạch, rõ ràng. Có DN mấy năm sau mới bị kiểm tra, truy thu, phạt chậm nộp. Bộ máy càng xuống cơ sở, công chức càng có vấn đề, nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, “lợi ích nhóm” đến giờ này vẫn là điều khiến ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM, trăn trở.
Ông Dũng cho biết, có rất nhiều dự án lớn nhưng không phải DN nào cũng biết để dự thầu. Chỉ có những nhóm DN, nhóm lợi ích mới biết để làm. Do đó, cần có cơ chế để những “gói” lớn như thế phải cho các liên minh DN làm mà không thể dành riêng cho bất cứ một “ông lớn” nào.
Ở góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, các DN FDI đến nay vẫn còn nhiều băn khoăn về những rủi ro đối với môi trường đầu tư, không đồng nhất trong chính sách. Điều này được thể hiện trong lần công bố kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về tình hình hoạt động của các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát của JETRO cho thấy khoảng 50% DN Nhật nhìn nhận “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng chính sách không rõ ràng”. Có 40% DN Nhật chỉ ra “Thủ tục hành chính phức tạp”, “Cơ chế thuế, thủ tục thuế” là những vấn đề cần phải được nhanh chóng cải thiện.
Điều này cũng được Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) chỉ rõ với trường hợp điển hình là sự không đồng nhất trong quy định về thực phẩm. Phía Amcham cho biết, DN của họ cần 12 nguyên liệu làm một thỏi sôcôla và phải công bố hết 12 nguyên liệu này.
![]() |
Muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần cải cách đồng bộ nền hành chính quốc gia
Cải cách cần đồng bộ
Trong khi đó, DN đã có chuẩn quốc tế nhưng khi vào Việt Nam vẫn phải xin thêm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Chưa kể, phía DN từ Amcham còn phản ánh đã phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra một năm, đến 6-7 lần/năm, đều xoay quanh mấy nội dung như nhau.
Trên thực tế, những phản ánh này vẫn còn là “bề nổi của tảng băng chìm” với nhiều bất cập tồn tại trong chính sách, cũng như các góc khuất, thiếu minh bạch, nạn nhũng nhiễu từ phía cơ quan quản lý mà phía DN đã và đang phải gánh chịu.
Do vậy, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngoài Nghị quyết 35/NQ-CP, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế bao gồm nhiều bộ luật và đạo luật như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Dân sự tố tụng, Bộ Luật Hàng hải, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Sửa đổi một số điều của các luật thuế, Luật Đất đai, Luật Phá sản,…
Điều này đã từng bước hình thành cơ chế vận hành thuận lợi hơn cho thị trường. Bên cạnh đó, các luật liên quan đến tổ chức nền hành chính và tài chính như Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước… cũng được xây dựng mới, đã tạo ra một dấu ấn rất quan trọng về đổi mới tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Tuy nhiên, như lưu ý của Ts. Trần Du Lịch, muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần cải cách đồng bộ nền hành chính quốc gia. Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trước hết, cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Mọi cải cách phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đặt ra khi chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thanh Loan