Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam trong quý I/2017 tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 567,2 triệu USD. Tính riêng tháng 3/2017, xuất khẩu nhựa đạt 225,2 triệu USD, tăng 37,5% so với tháng 2/2017.
Nhật Bản vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhựa Việt Nam, chiếm 23% tổng kim ngạch, đạt 130,6 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều dư địa phát triển
Trong giai đoạn năm 2010 – 2015, ngành nhựa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng 16 – 18%/năm. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có hơn 2.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nhựa. Hiện tại có gần 20 DN thuộc nhóm ngành nhựa, bao bì niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tiềm năng ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn, chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân tại Việt Nam hiện đạt 41kg/người/năm (thấp hơn nhiều so với mức 48kg/người/năm của châu Á và mức 70kg/người/năm của thế giới). Các Hiệp định thương mại như EVFTA, RCEF… cũng đem lại kỳ vọng cho các DN nhựa trong nước Bên cạnh đó, các ngành “tiền tiêu” sử dụng bao bì, vật liệu nhựa như thực phẩm, đồ uống, bất động sản… có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng mạnh cũng là tín hiệu lạc quan của ngành nhựa.
Theo BMI Research, ngành thực phẩm sẽ tăng trưởng 10,9% trong giai đoạn năm 2015 – 2019, ngành đồ uống đóng chai sẽ tăng trưởng từ 17 – 25%.
Với dư địa lớn, các DN tầm cỡ ngành nhựa trong nước cũng đang thể hiện sự tự tin bằng những chiến lược phát triển táo bạo. Tiêu biểu, công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) năm 2016 hoạt động hiệu quả với mức lợi nhuận đạt gần 143 tỷ đồng (vượt 43% kế hoạch). Với bảy nhà máy, AAA đang liên tục có những chiến lược mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ trong thời gian qua.
Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch AAA, cho biết “Năm 2017, An Phát đặt mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng vốn, thu nhập trên cổ phiếu tăng trưởng hai con số”.
Không chỉ AAA, các “ông lớn” khác trong ngành nhựa như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… cũng đang giữ thị phần bằng cách gia tăng tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý, đồng thời xây dựng chiến lược mở rộng sản xuất, “lấn sân” các đối thủ nhằm chiếm lĩnh thị trường Đơn cử như Nhựa Tiền Phong, vốn đang chi phối thị trường phía Bắc và phía Nam ở phân khúc nhựa xây dựng, nhưng nay cũng đang mở rộng hoạt động sang khu vực miền Trung bằng việc mua lại công ty Nhựa Năm Sao và có ý định sáp nhập cả Nhựa Đà Nẵng (thuộc Nhựa Bình Minh).
Bên cạnh đó, những DN nhựa tầm cỡ khác như: Tân Á Đại Thành, Hoa Sen, Europipe… cũng đang tích cực đầu tư xây dựng thêm các nhà máy mới. Năm 2016, Hoa Sen Bình Định khánh thành nhà máy nhựa có tổng công suất 24.000 tấn/năm; Stroman Việt Nam (thành viên của Tân Á Đại Thành) khánh thành nhà máy ống nhựa tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD.
DN nhựa Việt Nam cần thận trọng trước nguy cơ bị thâu tóm
Nỗi sợ bị thâu tóm
Mặc dù có những bước đi táo bạo, nhưng các DN trong nước vẫn đang gặp phải sức ép không nhỏ từ các DN nước ngoài qua kênh M&A. Đặc biệt những DN đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc với nền tảng tài chính hùng mạnh và đang có tham vọng thâu tóm các DN nhựa của Việt Nam.
Điển hình như tập đoàn SCG của Thái Lan đang thể hiện sự lấn lướt tại thị trường Việt Nam khi liên tục thực hiện các thương vụ M&A. Trong hai năm, SCG đã chi ra 121 triệu USD, sở hữu cổ phần của 22 DN nhựa Việt Nam. Nổi bật, SCG đã chi 44,4 triệu USD để thâu tóm Bao bì Tín Thành (Batico), đồng thời SCG cũng đang sở hữu 23,8% cổ phần Nhựa Tiền Phong, 20,4% cổ phần Nhựa Bình Minh…
Nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang “nuốt” dần các công ty nhựa của Việt Nam. Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems đã thâu tóm thành công hai công ty là Bao bì nhựa Tân Tiến và Bao bì nhựa Minh Việt; công ty Oji Holding Corporation Nhật Bản mua đứt Bao bì United; Sagasiki Vietnam mua song công ty In và bao bì Goldsun.
Theo giới dự báo, tình trạng thâu tóm thông qua M&A sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới bởi hình thức này đem lại lợi thế tiết kiệm chi phí, thời gian tìm hiểu thị trường, tận dụng nguồn lực có sẵn.
Vì vậy, để phá “vòng vây” của DN ngoại, DN trong nước cần phải có đối sách để không đánh mất “miếng bánh” thị trường. Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa Tp.HCM, cho rằng vấn đề cần nhất hiện nay của ngành nhựa là phải giải được “bài toán” nguyên liệu thật triệt để.
“Dự báo đến năm 2020, nguyên liệu để sản xuất nhựa lên tới 5 triệu tấn. Việc phải nhập khẩu 70 – 80% làm giảm đáng kể sức cạnh tranh và DN xuất khẩu khó tận dụng được ưu đãi thuế bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa”, ông Việt Anh chia sẻ.
Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ViettinBankSc, cho rằng: “Năm 2017, DN nhựa trong nước cũng gặp không ít khó khăn khi mức thuế nhập khẩu nhựa PP tăng lên 3% từ đầu năm. Quy mô DN kinh doanh nhỏ, thiếu liên kết, cơ sở vật chất và kỹ thuật lạc hậu… là những khó khăn DN nội cần khắc phục để cạnh tranh với các DN ngoại”.
“Phải giữ kỳ được ‘sân nhà’, đặc biệt với nhựa xây dựng. Xây dựng bất động sản tăng trưởng nóng là cơ hội cho ngành nhựa. Từ năm 2016 – 2020, nhu cầu cửa và cửa sổ ước tăng trung bình 42,8 triệu m2/năm. Theo quy hoạch, thị phần nhựa xây dựng sẽ tăng lên 25% năm 2020 và 27% năm 2025”, ông Đăng nhấn mạnh.
Văn Nguyễn