Ông Bình nói rằng, các DN nhỏ và HTX có đặc thù là nhỏ về sản xuất, nhỏ về thị trường, nhỏ về nhân lực và nhiều thứ khác. Nhưng có một điều lâu nay tưởng chừng như xa xỉ, quay đi quay lại vẫn là hai chữ “quản lý”. Trong đó, có quản lý tài chính, dòng tiền. Nhất là nhiều DN có hơi hướng gia đình và có tính chủ quan là tự quản lý. "Cho nên điều này không còn phù hợp với xu hướng sắp tới vốn đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính", ông nói.
Thưa ông, việc quản lý dòng tiền vẫn được xem là nhược điểm chung của các doanh nghiệp nhỏ và các HTX. Điều này khiến cho khu vực này vẫn loay hoay chưa bứt lên được?
Bởi vậy, tôi cho rằng là cần phải hướng đến sự minh bạch. Họ rất cần được hỗ trợ quản trị minh bạch, hiệu quả hơn để thu hút sự quan tâm của đối tác, nhà đầu tư.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM. |
Ngay như trong vấn đề về vay vốn, do số liệu tài chính của họ còn thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế vênh với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định…nên các ngân hàng cũng khó cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, việc quản trị về dòng tiền của DN nhỏ, HTX còn rất yếu. Lỗi thường gặp là dòng tiền không trôi chảy, có lợi nhuận nhưng không có tiền dẫn đến bờ vực phá sản, họ không đủ trình độ để hiểu lỗ lãi là do cái gì. Họ cũng gặp hạn chế trong việc xây dựng kế hoạch dòng tiền trong dài hạn, không nắm được tầm quan trọng của dòng tiền và lợi ích to lớn từ báo cáo dòng tiền.
Ngoài ra, nhiều DN nhỏ, HTX còn “mơ hồ” về sự khác biệt bản chất của tài sản – lợi nhuận – dòng tiền. Điều này dẫn đến những quyết định quản trị sai lầm, khiến cho tiền mặt như “gió vào nhà trống”.
Vậy ông có nhận định thế nào về dòng tiền của DN nhỏ và HTX trong năm 2024, liệu có tích cực hơn hay không?
Tôi nghĩ rằng dòng tiền của họ trong năm 2024 sẽ có sự xoay chuyển linh hoạt và đột phá hơn khi đã rút ra được những bài học xương máu trước nhiều khó khăn trong năm 2023 vừa qua.
Chẳng hạn như việc hạn chế sử dụng tiền mặt có thể sẽ mang lại sự đột phá về dòng tiền cho họ. Có nghĩa là các DN nhỏ, HTX cần thúc đẩy liên kết để trao đổi hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra. Điều này có mặt lợi là không phải kẹt tiền mặt, hàng hóa cũng thông thoáng đi với nhau, không phải “nặng đầu” cho việc xuất hiện tiền mặt.
Ngoài ra, một khi có kế hoạch rõ ràng về tiền mặt trong ngắn hạn và căn cứ vào doanh thu, chính sách bán hàng, hàng tồn kho…thì họ sẽ cân đối được dòng tiền thiếu thừa của mình là bao nhiêu, và trong bao lâu.
Tôi mong là các DN nhỏ, HTX trong thời gian tới cần lập kế hoạch dòng tiền chi tiết hàng tháng nhằm cân đối thu chi trong ngắn hạn. Họ nên kiểm soát chặt chẽ thu chi dựa vào định mức chi tiêu. Từ đó tôi tin là trong năm 2024 các DN nhỏ, HTX sẽ không phải gặp nhiều lúng túng về quản lý dòng tiền và loay hoay với chuyện thiếu hay thừa tiền mặt. Có như vậy họ sẽ vững vàng hơn để chống đỡ trước các khó khăn, cũng như tăng cơ hội cất cánh sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Sau những than phiền lâu nay về việc khó tiếp cận vốn vay, khó vay vốn “rẻ”, theo ông thời gian tới phía tổ chức tín dụng có khơi thông dòng vốn vay một cách thuận lợi hơn cho các DN nhỏ và HTX?
Tôi cho rằng nếu như DN nhỏ, HTX ngày càng minh bạch hơn trong thông tin, sổ sách chứng từ, tài sản đảm bảo, trong sản xuất kinh doanh, cộng với đó là chính sách tín dụng cởi mở của Chính phủ thì hy vọng họ sẽ gặp dễ dàng hơn để được vay những khoản vay ngắn hạn với lãi suất vừa phải, phù hợp với sản phẩm của họ.
Như trong năm 2024, để tiếp cận vốn vay một cách thuận lợi thì bản thân họ nên lên kế hoạch về sản xuất kinh doanh sẽ sản xuất được sản lượng bao nhiêu, đơn hàng như thế nào, khả năng bán được bao nhiêu, đầu ra ở những thị trường nào, chính sách bán hàng thế nào, tồn kho ra sao…
Các DN nhỏ, HTX phải thuyết minh cho được một cách bài bản, cộng với sự hỗ trợ của các hội DN, liên minh HTX ở các địa phương thì phía tổ chức tín dụng sẽ rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.
Điều kỳ vọng trong năm 2024 là các HTX có sự đột phá về thị trường đầu ra, và đột phá trong quản trị minh bạch cũng như trong quản lý dòng tiền. |
Với nhược điểm lớn như vậy thì các DN nhỏ, HTX nên làm gì để khắc phục?
Cá nhân tôi luôn đau đáu chuyện này. Nhất là có những DN nhỏ, HTX còn gặp nhiều hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của họ thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường. Điều đó càng làm cho tính minh bạch và quản trị dòng tiền càng trở nên đầy thách thức.
Cho nên, họ rất cần được nâng cao đào tạo để có sự đột phá trong việc quản trị minh bạch cũng như trong quản lý dòng tiền. Việc quản trị tiền mặt tốt sẽ kiểm soát, tăng số tiền và tốc độ dòng tiền vào, cũng như giảm số tiền và tốc độ dòng tiền ra. Ngoài ra, bản thân DN nhỏ, HTX phải thiết lập kế hoạch vay, trả tiền hiệu quả và chỉ vay khi cần thiết, cũng như giảm chi phí vay.
Ông có nhận định thế nào về mặt thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và HTX trong năm 2024 này?
Tôi có niềm tin là các DN nhỏ và HTX sẽ thành công hơn trong năm 2024 và các năm tới nếu như kiên trì tập trung vào thị trường nội địa, người nghèo, giá rẻ, cộng với dịch vụ tử tế. Cơ chế của DN nhỏ và HTX là quy mô nhỏ, và chính vì nhỏ nên có khi lại linh hoạt. Thành ra trong yếu điểm của họ lại là mặt thuận lợi khi nhắm đến thị trường ngách phù hợp với sản phẩm mà họ làm ra.
Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu căn cơ lâu dài thì các DN nhỏ, HTX rất cần tiếp tục có vai trò hỗ trợ của Nhà nước về mặt thị trường đầu ra, nhất là hỗ trợ cho họ vượt qua “cơn giáp hạt” để tiếp tục bước đi. Tuy nhiên, họ đã càng ngày càng ý thức được rằng không phải muốn sản xuất cái gì cũng được, muốn trồng cây gì thì trồng, mà đã đến lúc có bán được hay không.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong là tiếp tục có sự đột phá về mặt chính sách tiền tệ, đầu tư công của Nhà nước nhằm góp phần kích thích nền kinh tế đi lên, cộng thêm may mắn nếu như tình hình thế giới ổn định giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, cùng với giao thông ngày càng mở mang thuận lợi, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí vận chuyển gần vùng nguyên liệu, cộng với hội nhập sâu rộng…Có như vậy thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá về mặt thị trường đầu ra cho các DN nhỏ và HTX.
Thế Vinh (thực hiện)