Số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023 cho thấy, hàng ngày đang có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Trung bình có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.
Còn theo báo cáo về thương mại điện tử 9 tháng năm 2024 của nền tảng số thương mại điện tử Metric, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam, với hơn 1 tỷ USD mua hàng online mỗi tháng.
Chia sẻ về câu chuyện bán hàng trực tiếp xuyên biên giới vào Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho hay, hàng hóa từ các shop nước ngoài trên nền tảng không chỉ đến từ Trung Quốc, mà còn có Indonesia, Philippines và Hàn Quốc. Tất cả đều tuân thủ các quy định hiện hành. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang sử dụng sàn để bán hàng sang các thị trường khác ở Đông Nam Á.
Nhiều doanh nghiệp trong nước mong chính sách vĩ mô đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh hơn. |
Ông Trần Tuấn Anh đồng thời bày tỏ, chúng tôi đã đầu tư vào thị trường Việt Nam gần 10 năm, luôn tuân thủ mọi quy định và hy vọng được áp dụng công bằng.
"Ví dụ, về thuế hàng nhập khẩu, quản lý dữ liệu cá nhân hay giao nhận hàng, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, dường như chúng tôi đang bị quản lý chặt hơn. Chưa nói đến Shopee mà các đối tác trên sàn đã bất lợi trước, khi họ phải đối đầu với những đối thủ có thế mạnh khác biệt", ông nói.
So với một số nền tảng xuyên biên giới, nếu một nền tảng xuyên biên giới không có hiện diện pháp lý tại Việt Nam, không có biện pháp thực thi hiệu quả để đảm bảo rằng, nhà bán hàng của họ và các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) tiếp thị liên kết trên nền tảng đó đang nộp đủ phần thuế cho Việt Nam, theo Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam “dường như có sự "bảo hộ ngược" hoặc "tự đá vào lưới nhà" khi các nền tảng trong nước đang thu thập dữ liệu và sẽ khấu trừ thuế cho Chính phủ”...
Vì vậy, ông Tuấn Anh cho rằng, nếu tất cả đều hoạt động trong cùng một khuôn khổ, cạnh tranh sẽ là điều tích cực vì nó thúc đẩy phát triển hơn. Ngược lại, nếu có sự khác biệt, giống như việc chơi bóng đá mà đối thủ được phép dùng tay.
Với các thương hiệu trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn chính sách vĩ mô đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh hơn.
Chia sẻ tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế 2024 mới đây, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc công ty May 10 nhắc đến câu chuyện về sàn thương mại điện tử Temu và đề cập đến sự thay đổi của chính sách chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.
Cụ thể, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, theo quy định, sản phẩm hàng hoá qua thương mại điện tử nước ngoài có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được miễn thuế theo Quyết định 78/2010. Vận dụng chính sách này, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vốn đi trước trong phát triển công nghệ số đã gây “sốt” với nhiều mặt hàng được “chào sân” với giá rất rẻ. Doanh nghiệp và những hộ kinh doanh nhỏ tại Việt Nam khó có thể cạnh tranh được nếu như các chi phí đầu vào sản xuất của họ đã thấp, lại còn được nhiều ưu đãi.
Theo ông Thân Đức Việt, một số chính sách miễn giảm thuế như trên đã khiến doanh nghiệp trong nước chịu thiệt thòi, sản phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh hơn. Do vậy, cần chính sách vĩ mô đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp trong nước Việt Nam.
Ở góc nhìn pháp lý, chia sẻ với phóng viên VnBusiness, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho rằng, việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng giá rẻ tại Việt Nam tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức lớn cho ngành thương mại điện tử và nền kinh tế.
Cụ thể, về mặt tích cực, nó thúc đẩy sự cạnh tranh, buộc doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện dịch vụ và hiện đại hóa để giữ chân khách hàng, đồng thời mang lại nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn cho người tiêu dùng. Điều này cũng góp phần phát triển hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, từ đó hiện đại hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự hiện diện mạnh mẽ của các sàn quốc tế gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi khó lòng cạnh tranh về giá cả và khuyến mãi. Sự ưu thế của hàng nhập khẩu giá rẻ làm giảm thị phần sản phẩm Việt, gia tăng thâm hụt thương mại, và khiến nền kinh tế Việt Nam dễ phụ thuộc vào các nền tảng ngoại, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, các sàn nước ngoài thường áp dụng quy trình để tránh một số loại thuế, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia.
Việc các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt các sàn không đăng ký có thể tạo ra nhiều thách thức về kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm và sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp trong nước như: shopee, Lazada, và Tiki.
Theo vị luật sư này, Căn cứ Điều 67c Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam phải đáp ứng hai điều kiện về: Hình thức đầu tư và Có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chi phối ít nhất một doanh nghiệp thuộc nhóm năm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam về dịch vụ thương mại điện tử.
Do đó, để kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, Nhà nước cần phải yêu cầu đăng ký và chứng nhận sản phẩm đối với các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài cần phải đăng ký hoạt động và tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa, bao gồm việc cung cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu các doanh nghiệp này phải nộp hồ sơ chứng minh rằng hàng hóa của họ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định Việt Nam.
Đồng thời, các cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra và giám sát các đơn vị cung cấp hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm được giao dịch qua các nền tảng thương mại điện tử.
Để đảm bảo cạnh tranh công bằng các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài phải tuân thủ các quy định về khuyến mại giống như các doanh nghiệp trong nước; thông tin về khuyến mại cũng cần rõ ràng về sản phẩm, giá cả. Điều này giúp người tiêu dùng có thể so sánh và lựa chọn sản phẩm một cách công bằng.
“Việc xây dựng các chính sách quản lý chặt chẽ sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh công bằng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà lưu ý.
Hồng Hương