Dự kiến trong tháng 10/2017, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, các DN có rủi ro cao về thuế phải sử dụng HĐĐT. DN có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in phải chuyển qua sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT do DN tự phát hành từ ngày 1/7/2018.
Doanh nghiệp còn lo ngại
Việc sử dụng HĐĐT được đánh giá sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, thời gian, dễ dàng quản lý và góp phần ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tạo ra “sân chơi” minh bạch, công bằng cho DN phát triển. Tuy nhiên, những yếu tố cả về khách quan và chủ quan vẫn khiến các DN e ngại.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai – cho rằng: “Để áp dụng HĐĐT đòi hỏi một hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đủ mạnh, đảm bảo đường truyền dữ liệu thông suốt giữa DN, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý liên quan. Trong khi đó, có rất nhiều giao dịch phía khách hàng yêu cầu phải có hóa đơn giấy, đặc biệt với các DN xuất khẩu, phải có hóa đơn giấy các hãng vận chuyển mới nhận hàng. Vì vậy, quy định bắt buộc sử dụng HĐĐT cho các DN trên mọi lĩnh vực trong thời gian ngắn là rất khó, cần lộ trình ít nhất 12 tháng…”.
![]() |
Hóa đơn điện tử vẫn khiến DN băn khoăn
Đại diện công ty Ajinomoto Việt Nam, bà Phan Thị Linh Thái, chia sẻ: “Chúng tôi đã muốn áp dụng HĐĐT từ nhiều năm qua song vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Việc triển khai HĐĐT với tất cả khách hàng rất khó vì khác biệt về trình độ, khu vực, hạ tầng. Trong trường hợp áp dụng HĐĐT, khi sự cố đường truyền xảy ra, nếu không có hóa đơn giấy song song, sự việc sẽ rất nan giải bởi không thể bắt khách hàng chờ”.
Nhiều ý kiến DN kiến nghị, cơ quan quản lý nên khuyến khích thay vì bắt buộc, bởi vì mỗi DN có đặc thù riêng, yêu cầu của khách hàng về hóa đơn cũng khác. Đơn cử, trong lĩnh vực bảo hiểm, khách hàng cá nhân yêu cầu hóa đơn giấy mà không chấp nhận HĐĐT. Chưa kể, đa số khách hàng cá nhân hiện chưa có chữ ký điện tử.
“Thực tiễn kinh doanh muôn hình vạn trạng, cơ quan chức năng chỉ nên khuyến khích, giãn lộ trình ra tối thiểu 1 – 2 năm để DN tự điều chỉnh, nếu có lợi, DN tự khắc sẽ chuyển đổi. Việc bắt buộc trong bối cảnh còn nhiều băn khoăn sẽ vô tình gây khó cho DN”, đại diện Tổng công ty Liksin cho hay.
Lấn cấn vì sợ minh bạch?
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng Cục Thuế) – cho rằng: “Bên cạnh những lo ngại về trang thiết bị, công nghệ, nhiều DN còn đang muốn “bán hàng không xuất hóa đơn”, hay bán hàng một đằng, hóa đơn một nẻo, cho nên họ “chê” HĐĐT vì ngại minh bạch”.
Cùng quan điểm, ông Yasuhisa Taninaka – Trưởng ban Thuế (Hiệp hội DN Nhật Bản) – nhận định: “Không ít DN đang lợi dụng gian lận hóa đơn để trốn thuế hoặc gian lận thuế. Nếu áp dụng HĐĐT, những thông tin về hóa đơn, về DN sẽ được quản lý trên hệ thống, từ đó giảm bớt những hành vi gian lận, đòi hỏi minh bạch hơn. Điều này khiến không ít DN lo lắng”.
Bên cạnh đó, không ít DN cũng lo lắng về các thủ tục thanh – kiểm tra. Đại diện công ty Nestle Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh, phân tích: “Thời gian qua, đã có nhiều DN sử dụng HĐĐT nhưng có hoạt động vận chuyển vẫn đòi xuất trình hóa đơn giấy, phiếu xuất kho. Do đó, muốn triển khai HĐĐT đại trà, cần có cơ chế công nhận HĐĐT ở tất cả cơ quan quản lý liên quan. Đồng thời đảm bảo kết nối dữ liệu đồng bộ từ cơ quan thuế, hải quan… đến quản lý thị trường, tránh mỗi cơ quan yêu cầu một hình thức khác nhau”.
Trước những băn khoăn của DN, đại diện Cục Công nghệ Thông tin (Tổng Cục Thuế) chia sẻ, để chuẩn bị cho việc áp dụng HĐĐT, Tổng Cục Thuế và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo quá trình truyền dẫn dữ liệu, nên các DN không cần quá lo lắng.
Về thủ tục kiểm tra, chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc có hình ảnh lưu giữ HĐĐT là có thể xuất trình như hóa đơn bình thường, và khi quy định được triển khai, các cơ quan quản lý sẽ phải tôn trọng, thừa nhận. Vì vậy, DN chỉ cần chuẩn bị tốt phương tiện điện tử để chứng minh.
Tuy nhiên, Tổng Cục Thuế thừa nhận mức độ khó khăn của DN trong chuyển đổi sang HĐĐT là khác nhau. Nhưng mục tiêu của cơ quan quản lý là ngăn chặn gian lận, tạo “sân chơi” bình đẳng cho DN, cho nên ngành thuế mong DN sẽ cùng đồng lòng để phát triển.
Hiến Nguyễn