Những người quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản là công ty cổ phần (CTCP) Thủy sản Hùng Vương không khỏi băn khoăn về “sức khỏe” của DN này khi trong báo cáo kiểm toán năm tài chính 2016 – 2017 mới công bố cho thấy đã lỗ ròng hơn 705 tỷ đồng.
Bài học nhãn tiền
Ngoài những lý do được nêu ra về tình trạng lỗ nặng như chi phí tăng mạnh, tổng nợ phải trả đã lên tới 11.378 tỷ đồng, doanh thu giảm 13%…, một điểm đáng chú ý là Thủy sản Hùng Vương đã buộc phải bán hàng loạt công ty con vốn không phải là mảng sản xuất cốt lõi, thế mạnh của họ trong những tháng cuối của năm 2017.
Đơn cử như việc bán trên 50% vốn của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), giải thể CTCP Địa ốc An Lạc (Hùng Vương nắm 76% vốn) và rao bán thanh lý 4 lô đất với tổng diện tích lên tới 20.000m2, bán toàn bộ 21 triệu cổ phiếu nắm giữ tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Chưa kể, Hùng Vương còn dự định thoái vốn tại công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish).
Có thể thấy, chiến lược tăng trưởng thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) với những thương vụ nghìn tỷ mà mỗi năm thâu tóm một DN hay mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực không phải sở trường như bất động sản, thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc… trong thời gian qua đã làm cho DN này “phình to”.
Tuy nhiên, vì “phình to” nhưng “bụng đói”, càng phình càng đuối, không những không mang lại hiệu quả như mong đợi cho Thủy sản Hùng Vương mà còn khiến cho họ còn vướng vào vòng nợ nần lớn từ phía ngân hàng. Và thực tế là nhiều ngân hàng mắc kẹt với DN này.
Những điều đó làm nhiều người liên tưởng đến bài học nhãn tiền của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khi phát triển quá nhiều lĩnh vực từ bất động sản, thủy điện, đồ gỗ cho đến nông nghiệp, đầu tư khắp trong nước cho đến ngoài nước và nợ ngân hàng cũng quá nhiều.
Trong tháng 12/2017, HAGL đã phải bán 8,4 triệu cổ phiếu ở CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL với mục đích dùng làm tài sản đảm bảo cho việc tái cơ cấu khoản vay. Trước đó, vào tháng 6/2017, cái tên Mía đường HAGL chính thức biến mất sau khi HAGL bán mảng mía đường cho “đại gia” Đặng Văn Thành.
Sau nhiều đợt phải cơ cấu vì “phình to” gây khó cho tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, số nợ của HAGL đang giảm dần. Theo số liệu cập nhật vào tháng 9/2017, HAGL có khoản nợ vay 23.160 tỷ đồng, trong đó 20.364 tỷ đồng nợ dài hạn. Tổng số nợ vay này đã giảm hơn 4.100 tỷ đồng so với đầu năm 2017.
![]() |
Việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực không phải sở trường của Thủy sản Hùng Vương khiến họ gặp khó khăn lớn
Gánh nặng nợ nần
Hoặc như Tập đoàn Hoa Sen, trong tổng số 8.500 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng, trong vòng 3 tháng đầu niên độ tài chính 2018, DN này đang phải thanh toán khoảng 900 tỷ đồng. Nợ ngân hàng phải trả của họ tăng gấp đôi so với thời điểm đầu niên độ do nhu cầu bổ sung vốn lưu động đột biến.
Điều đáng nói việc dàn trải, mở rộng đầu tư vốn vào nhiều dự án nhà máy lớn trong thời gian qua ở Bình Định, Hà Nam, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã góp phần vào khoản nợ lớn này. Tháng 8/2017, Tập đoàn Hoa Sen đã phải thoái sạch 45% vốn tại CTCP Tiếp vận và Cảng Quốc tế Hoa Sen Gemadept.
Trong khi đó, theo một tài liệu mới đây, trong niên độ tài chính 2016 – 2017, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn Hoa Sen chỉ hoàn thành 81% kế hoạch và giảm 11% so với năm trước đó.
Điểm sơ một vài “ông lớn” DN nội địa thuộc khu vực tư nhân nêu trên để thấy việc đầu tư dàn trải, nợ vay ngân hàng nhiều đã thực sự mang lại những khó khăn cho chính họ. Trong khi đó, bài học đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn từ nhiều DN, tập đoàn lớn có vốn nhà nước đến giờ vẫn còn nóng hổi.
Nợ xấu khó trả sớm, tầm vóc DN có lớn thêm thì nợ vay càng phình mạnh ra vẫn là điều mà giới chuyên gia cảnh báo với các DN nội địa thuộc dạng lớn hiện nay. Nhiều dự án được các DN đầu tư hay mở rộng hoạt động thâu tóm các DN khác đều có thể mang lại lợi nhuận nhưng kèm theo đó là không ít rủi ro về những khoản nợ khủng với ngân hàng.
Điều đáng nói, công tác xử lý nợ xấu hiện còn gặp trở ngại do những hạn chế về pháp lý liên quan đến bán và tái cơ cấu tài sản thế chấp, thiếu năng lực quản lý tài sản và thiếu khả năng ghi nhận lỗ.
Theo ước tính, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng vào cuối năm 2017 là khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016. Kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, đến nay, xử lý nợ xấu đạt được khoảng gần 16.000 tỷ đồng. Đây là con số khá tích cực, qua đó giúp tổng số nợ xấu của toàn hệ thống năm 2017 đã được xử lý hơn 78.000 tỷ đồng.
Nhưng nên lưu ý, bên cạnh những tiến triển trên, khối lượng nợ xấu chưa xử lý triệt để còn lớn và tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng vẫn còn tương đối mỏng so với chuẩn mực quốc tế.
Về phía các DN nội, để tránh những rủi ro phải vướng vào gánh nặng nợ nần vì “phình to”, điều cần làm là sớm tái cấu trúc hoạt động, thu gọn bộ máy để tập trung vào mảng kinh doanh thế mạnh và hiệu quả nhất của DN.
Thế Vinh