Trong giai đoạn 2010 – 2016, ngành dược Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất châu Á, đạt xấp xỉ 19,7%/năm. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng dự báo cao hơn 17%.
Hiện tại, mức chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người tại Việt Nam đạt 30 – 40 USD (thấp hơn nhiều so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới).
DN ngoại lấn lướt
Năm 2016, thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị xấp xỉ 5 tỷ USD. Theo dự báo của IMS Health, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường này sẽ đạt 15 – 17% trong giai đoạn 2017 – 2021. Thị trường dược phẩm Việt Nam cũng có thể đạt mức 7,2 tỷ USD năm 2020 và tiếp tục giữ đà tăng trưởng trên 10% trong 5 – 10 năm tới.
Có dư địa khổng lồ nhưng ngành dược phẩm Việt Nam vẫn đang tồn tại điểm yếu chí tử là khả năng sản xuất vẫn chưa bắt kịp nhu cầu tiêu thụ. Hiện tại, sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu, 55% còn lại phải nhập khẩu với giá trị tăng 16%/năm._
Theo Tổng cục Hải quan, trong hai quý đầu năm 2017, Việt Nam đã chi 1,7 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016), dự kiến cả năm, ngành dược sẽ “chảy máu” 3 tỷ USD. Con số này của cả năm 2016 là 2,563 tỷ USD, năm 2015 là 2,32 tỷ USD và năm 2014 là 2,035 tỷ USD.
Việt Nam hiện có khoảng 300 công ty phân phối dược có vốn nước ngoài hoạt động, trong đó chỉ riêng ba công ty Zuellig Pharma, Mega Products và Diethelm Việt Nam đã chiếm tới 50% tổng thị phần phân phối thuốc tại Việt Nam. Các con số chứng minh, “mật ngọt” vẫn đang chảy vào túi các DN ngoại.
Đơn cử, trên thị trường dược Việt Nam, có hai kênh phân phối chính là hệ thống các bệnh viện dưới hình thức thuốc được kê đơn (ETC) chiếm khoảng 70%, còn lại được bán lẻ ở hệ thống quầy thuốc (thuốc không kê đơn – OTC). “Miếng bánh” ngon nhất thị trường là ETC hiện đang nằm trong tay các DN nước ngoài.
![]() |
Dự báo cả năm 2017, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu thuốc
Bà Phạm Thị Việt Nga, cố vấn chuyên môn – thành viên HĐQT Dược Hậu Giang, cho biết, các DN Việt Nam đang phải tranh nhau thị phần nhỏ còn lại của kênh phân phối ETC và cuộc đua về giá ngày càng khốc liệt.
Hiện tại, đa số DN nội chỉ phát triển các loại dược phẩm thông thường, các nhóm thuốc có giá trị cao như thuốc gây mê, thuốc giải độc đặc hiệu, thuốc chống ung thư… đều thuộc khối DN FDI hoặc phải nhập khẩu.
“Nguyên nhân là do các DN nước ngoài sở hữu sản phẩm do chính họ phát minh, đang được bảo hộ trí tuệ nên mang tính độc quyền và giá khá cao. Ngược lại, các DN nội gần như “bất lực” khi khả năng nghiên cứu, phát minh có hạn. Trong 5 – 10 năm tới, nếu không nhanh chóng bứt lên, các DN nội có thể “chết” trên sân nhà”, bà Nga nhấn mạnh.
DN nội tăng tốc
Trước nguy cơ “bành trướng” của các DN ngoại, các “ông lớn” ngành dược phẩm nội đang cho thấy quyết tâm rất lớn trong cuộc chiến “đòi lại” thị phần. Không chỉ đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, quản trị, các DN nội cũng đang chuyển hướng nghiên cứu các sản phẩm mới, nhất là các loại thuốc đặc trị, thuốc biệt dược.
Điển hình như Traphaco, năm 2017 công ty này đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 242 tỷ đồng. Kế hoạch đến năm 2020, Traphaco có tham vọng trở thành DN dược phẩm số 1 Việt Nam, với vốn hóa thị trường đạt 10.000 tỷ đồng, tổng doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 500 tỷ đồng.
Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Traphaco, cho biết, trong chiến lược mới, bên cạnh thị trường truyền thống là miền Bắc, Traphaco sẽ tập trung khai thác thị trường miền Nam với mục tiêu doanh thu đạt 400 tỷ đồng từ năm 2017. Lợi thế của Traphaco là hệ thống phân phối rộng với hơn 23.000 nhà thuốc trên toàn quốc.
Một tên tuổi khác là Dược Hậu Giang cũng đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 15%/năm, đạt 6.750 tỷ đồng vào năm 2020.
Theo đó, Dược Hậu Giang đang thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm giữ vững vị thế DN sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) lớn nhất Việt Nam về doanh thu. Đơn cử như phát triển hệ thống kênh phân phối hiện đại (nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) tại 5 thành phố lớn là Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội.
Còn Dược phẩm Imexpharm cũng thể hiện tham vọng với mục tiêu tăng trưởng hai con số năm 2017, doanh thu 1.260 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 160 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 13,9% so với năm trước.
Bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, cho biết, bên cạnh việc tập trung đầu tư cho các nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc và Bình Dương, Imexpharm cũng đề ra chiến lược đi nhanh bằng cách mua bán và sáp nhập với các DN khác khi có cơ hội.
Theo các chuyên gia, để giữ được “sân nhà”, Việt Nam cần có những tên tuổi nội đủ “mạnh” để so găng với các đối thủ ngoại. Sự “bừng tỉnh” và “trỗi dậy” mạnh mẽ của các DN nội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, để đạt được tham vọng, bên cạnh những chính sách của Nhà nước, các DN nội cần có tầm nhìn dài hạn, có những chiến lược mua bán và sáp nhập thông minh và tận dụng tốt nguồn vốn ngoại đang chảy vào ngành dược.
Hiến Nguyễn