Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), toàn vùng ĐBSCL có 59.348 DN đang hoạt động, chiếm 11,6% tổng số DN của cả nước, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, số DN thành lập mới là hơn 1.450 DN, với tổng số vốn đăng ký hơn 54.500 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2015…
Cạnh tranh khốc liệt
Ths.Nguyễn Văn Vỹ - Học viện Chính trị khu vực IV, cho biết trong bối cảnh hiện nay, nông - lâm - thủy sản là lĩnh vực có tỷ lệ DN thua lỗ ít hơn so với các khu vực khác. Số lượng DN kinh doanh có lãi của 5/13 tỉnh khu vực ĐBSCL là 9.385 DN chiếm khoảng gần 58% tổng số DN trong báo cáo của 5 tỉnh.
Theo Ths. Nguyễn Văn Vỹ, hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN là cơ hội tốt để các DN mở thị trường kinh doanh, XK các sản phẩm, đồng thời cũng là cơ hội để các DN phát huy thế mạnh về nguồn lực trong khu vực, mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, Ths. Nguyễn Văn Vỹ cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức mà DN kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp XK khu vực ĐBSCL sẽ phải đối mặt. Thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt của các quy luật thị trường. Yêu cầu của quá trình hội nhập, xu hướng chuyên môn hóa nâng cao hiệu quả sản xuất phục vụ tốt cho XK buộc phải thực hiện theo như mô hình kinh doanh tập hợp, thu gom sản phẩm, vì vậy nhiều DNNVV sẽ phải chuyển sang các dạng, các hình thức kinh doanh phù hợp, ví dụ như liên kết, hợp nhất, sáp nhập mới bảo đảm sự tồn tại.
![]() |
Chế biến thủy sản - thế mạnh của vùng ĐBSCL
Trong điều kiện mới buộc các DN phải thay đổi các quy trình về cả trong sản xuất, chế biến, các quy trình XK sản phẩm. Ngoài việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất còn phải tuân thủ nghiêm ngặt và có tính kỷ luật về các sản phẩm mới bảo đảm uy tín khi kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN dù không xa về địa lý, nhưng nhiều mặt hàng là thế mạnh XK phần lớn với thị trường này là mới, nên sẽ không ít khó khăn trở ngại đối với nhiều DN về các vấn đề thị trường, các thủ tục hành chính, hải quan, tiêu thụ sản phẩm, thị hiếu nhu cầu, đối tác làm ăn.
Ngoài ra, dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng các thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn chưa thực sự tinh gọn, nhiều thủ tục còn rườm rà, là rào cản không nhỏ đối với công việc sản xuất kinh doanh của DN.
Chủ động hội nhập
Theo Ths. Nguyễn Văn Vỹ, để tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh, tham gia hội nhập thành công, các DN kinh doanh nông sản XK cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH-KT trong các khâu sản xuất, chế biến và XK, nhằm nâng cao hiệu quả sản phẩm.
Đây là một khâu yếu trong thị trường nông sản khu vực nói chung và việc ứng dụng KH-KT của các DN nói riêng những năm vừa qua, đã hạn chế rất nhiều hiệu quả của hoạt động kinh doanh, XK nhiều mặt hàng được cho là có lợi thế so sánh và có nhiều tiềm năng ở khu vực ĐBSCL.
Để mở rộng sản xuất, DN cần phát triển các mô hình chuyên canh như “cánh đồng mẫu lớn” tạo ra sự chuyên môn hóa trong sản xuất, mang lại năng suất hiệu quả cao.
Cần thường xuyên tiếp cận mở rộng thị trường cho các sản phẩm XK để DN chủ động nắm bắt được các xu hướng phát triển của thị trường, những nhu cầu của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện phương hướng phát triển cho DN.
Tiếp tục xây dựng các thương hiệu sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trên thị trường. Một thực tế hiện nay, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL có nhiều sản phẩm có giá trị, chất lượng, tuy nhiên lối sản xuất kinh doanh mang tính truyền thống đã hạn chế rất nhiều việc phát triển thị trường của sản phẩm, không mở rộng được quy mô cả sản xuất và kinh doanh, vì thế hiệu quả mang lại chưa thực sự cao.
Trong thời kỳ đầu hội nhập trong cộng đồng kinh tế ASEAN, chắc chắn các DNNVV ĐBSCL sẽ gặp không ít khó khăn về sức cạnh tranh một số sản phẩm nông nghiệp ở nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN trên một số lĩnh vực, như vốn, đào tạo nhân lực KH-CN, thị trường XK hoặc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… tạo thuận lợi cho DN tiếp tục trụ vững và phát triển trong sản xuất và kinh doanh. Tiếp tục nâng cao công tác đào tạo nguồn lao động của toàn vùng và trực tiếp của DN.
Có thể tính đến các phương án sáp nhập, chuyển thể, liên kết... của các DNNVV, đặc biệt là các DN tư nhân chủ động trước mọi tình hình khi cạnh tranh trở nên căng thẳng và có thể đẩy các DN không đủ sức cạnh tranh đến mức độ phá sản.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng để có thể hội nhập vào sân chơi quốc tế, đòi hỏi các DN trong vùng phải tăng cường liên kết, hợp tác với nhau; đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư một cách bài bản để chủ động hội nhập.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các DN đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng cho DN, phát huy triệt để những lợi thế và tiềm năng to lớn của khu vực ĐBSCL.
Thu Hường