Giá lợn hơi tăng cao tiếp tục là chủ đề nóng được Bộ NN&PTNT đề cập tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, tại Hà Nội chiều 12/3.
Giá thành chăn nuôi lợn dao động trong ngưỡng 40.000 - 45.000 đồng/kg (Ảnh: Internet) |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau một năm tác động của dịch tả lợn châu Phi, đến giờ phút này khẳng định tới đây sẽ không thiếu lợn, giá lợn phải xuống ngưỡng 70.000 đồng/kg.
Hiện, 99% số xã bị dịch Tả lợn châu Phi đã kết thúc 30 ngày không quay trở lại, có đàn giống cụ kỵ là 110 nghìn con; 2,7 triệu con lợn nái; 24 triệu lợn thịt. "Với tốc độ tái đàn như hiện nay, không lý gì thiếu thịt lợn", ông nhấn mạnh.
Theo đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu, 17 tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải đưa giá lợn hơi về ngưỡng 70.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất giao động trong ngưỡng 40.000 - 45.000 đồng/kg, đưa về tỷ lệ đó phù hợp cho thị trường phát triển. Giá cao quá buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn thì chính là ta đánh mất thị trường chúng ta.
"Tôi tin một khi khuyến nghị đúng, các DN phải hưởng ứng, ủng hộ bảo vệ thị trường thịt lợn bền vững. Nếu không chung tay, nay mai đánh mất thị trường thì sẽ gậy ông đập lưng ông", Bộ trưởng khẳng định.
Tại hội nghị này, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng lên tiếng về việc giá lợn "leo thang" như thời gian qua. Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng Giám đốc công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết trong thời gian xảy ra dịch Covid -19, doanh nghiệp luôn đảm bảo cung cấp thực phẩm ra thị trường ổn định, không gián đoạn.
Với thịt lợn, một ngày cung cấp ra thị trường từ 15.000 - 17.000 ngàn con, giá luôn để thấp hơn thị trường ở mức từ 74.000-75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, doanh nghiệp chủ yếu vẫn cung cấp cho khách hàng gắn bó thường xuyên. Với những nhu cầu không thường xuyên, doanh nghiệp chỉ cung cấp được một phần nào đó.
Đối với việc thực hiện tái đàn, đại diện CP cho biết, đến thời điểm này tái đàn tăng trưởng trên 5% so với cùng kỳ năm trước.
Về kế hoạch trong thời gian tới, CP đang thực hiện dự án đầu tư chế biến sâu, xây dựng nhà máy giết mổ, liên kết với hộ tư nhân đã có lò mổ, từ đó doanh nghiệp cải thiện để nâng cấp giết mổ, đưa sản phẩm tiếp cận tới tay người tiêu dùng, hạn chế khâu trung gian, làm giá giữa người sản xuất đến người tiêu dùng gần nhau hơn.
"Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng đường còn dài nên cần phải có thời gian mới thực hiện được", ông Thép nói.
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Masan cũng cho biết DN này đã và đang sẽ cam kết đồng hành với Bộ NN&PTNT, đưa sản phẩm về giá người tiêu dùng hợp lý nhất. Giá lợn hơi ở mức chấp nhận được với các trang trại làm ăn có lời là trên 50.000/kg. Tôi nghĩ tăng giá không phải lợi thế kinh doanh mà phải ổn định thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết, DN luôn đồng tình với Chính phủ. Dabaco không muốn giá lợn cao, vì như thế sẽ không bền vững, không phát triển được. "Chúng tôi sẽ phát triển tái đàn. Cam kết với Bộ trưởng là Tập đoàn sẽ cố gắng đưa giá lợn xuống mức 70.000 đồng/kg".
Đại diện DN này mong Chính phủ giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng vào Việt Nam như thịt và chế phẩm từ thịt.
Lê Thúy