Pickleball ra đời ở Mỹ từ những năm 50-60 của thế kỷ trước và dần trở thành một trong những bộ môn thể thao phát triển nhanh chóng nhất tại xứ sở cờ hoa. Sau đó, len lỏi dần ra thế giới và phát triển rất nhanh tại bất kỳ đất nước nào mà môn thể thao này đặt chân đến. Pickleball là môn thể thao kết hợp giữa tennis, cầu lông và bóng bàn, đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2018 nhưng chỉ trở thành “cơn sốt” từ đầu năm nay.
Nhiều cơ sở kinh doanh mọc lên
Nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn của người chơi, anh Hoàng Mạnh Giỏi, một doanh nhân trẻ đến từ Hoài Đức, Hà Nội, đã quyết định cùng một số bạn bè "hùn vốn" mở sân tập pickleball. Anh Giỏi chia sẻ: “Diện tích của một sân tiêu chuẩn khoảng hơn 81m², chỉ bằng ¼ so với sân quần vợt. Điều này giúp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời dễ dàng thu hút nhiều người tham gia hơn".
Theo tính toán của anh Giỏi, nếu sân đạt công suất 10 giờ/ngày với tỉ lệ “lấp đầy” 95%, thì mỗi ngày sân có thể thu về từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng chỉ riêng tiền thuê sân. Khung giờ từ 5h sáng đến 14h chiều, giá thuê là 120.000 đồng/giờ, còn khung giờ vàng 200.000 đồng/giờ. Hàng tháng, trung tâm thu về gần 180 triệu đồng thì trong vòng nửa năm anh có thể thu hồi vốn.
Bộ môn pickleball đang là một “trào lưu” thể thao được mọi lứa tuổi ưa chuộng tại Việt Nam. |
Sự gia tăng người chơi pickleball không chỉ đến từ tính chất hấp dẫn của môn thể thao này, mà còn từ xu hướng chăm sóc sức khỏe đang lên cao trong xã hội. Người dân đang ngày càng ý thức hơn về việc rèn luyện thể chất, và pickleball, với tính chất vui vẻ và dễ tiếp cận, đã trở thành lựa chọn lý tưởng.
Bên cạnh đó, những sự kiện thể thao, giải đấu và các hoạt động giao lưu đang được tổ chức ngày càng nhiều, tạo ra một cộng đồng gắn kết và phát triển. Bộ môn này thu hút nhiều người chơi nhờ thi đấu trên mặt sân nhỏ gọn hơn so với tennis nhưng vẫn giữ được tính chiến thuật và yêu cầu di chuyển linh hoạt. Sân nhỏ giúp giảm bớt áp lực thể lực, đồng thời tăng cường sự tập trung vào kỹ thuật và chiến thuật.
Chị Đỗ Ngọc Hà, một người chơi pickleball tại Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ rằng, ngân sách hàng tháng cho bộ môn này thường từ 3 triệu đồng trở lên, bao gồm chi phí thuê sân, trang phục và dụng cụ chơi.
Trong nửa đầu năm 2024, pickleball đã trở thành môn thể thao mới nổi tại Việt Nam, kéo theo sự bùng nổ trong thị trường sản phẩm liên quan. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc kinh doanh sân chơi pickleball chính là chi phí đầu tư ban đầu không quá cao so với nhiều môn thể thao khác. Việc xây dựng sân chơi thường chỉ yêu cầu một không gian phẳng và một số trang thiết bị cơ bản. Điều này giúp cho nhiều nhà đầu tư, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp nhỏ, có thể dễ dàng tham gia vào lĩnh vực này.
Anh Hoàng Văn Hùng (Thanh Hóa) cho biết, anh vừa mua một chiếc vợt Pickleball với giá 2,5 triệu đồng nhờ săn sale. Theo anh, chi phí chơi môn này khá hợp lý, thấp hơn cầu lông. Chị Phương Huyền - người mới chơi từ tháng 4, cũng cho biết chỉ mất khoảng 5 triệu đồng để sắm đồ. Tuy nhiên, đối với những người đầu tư mạnh vào trang phục và vợt, chi phí có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, môn thể thao này đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành một hiện tượng. Các câu lạc bộ pickleball mọc lên như “nấm sau mưa”, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người chơi. Điều này cho thấy đầu tư sân pickleball không chỉ là một trào lưu nhất thời mà đã thực sự chiếm được cảm tình của người Việt.
Kinh doanh liệu có rủi ro?
Mặc dù có nhiều cơ hội hấp dẫn, nhưng việc kinh doanh sân chơi pickleball không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ông Trần Quang Khải, Chủ nhiệm CLB Pickleball tại Trung tâm Văn Hóa – Thông Tin, Thể Thao và Du Lịch Cầu Giấy, đã nhấn mạnh rằng chủ đầu tư cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về chi phí vận hành. “Chi phí cho thuê địa điểm, khấu hao tài sản và nhân công có thể chiếm từ 60% đến 80% tổng doanh thu,” ông Khải cho biết.
Việc tính toán chi phí một cách hợp lý là điều tối quan trọng. Nếu không, các chủ sân có thể gặp khó khăn về tài chính. Trong bối cảnh đó, nhiều chủ đầu tư vẫn tin rằng nhu cầu người chơi vẫn còn rất cao và hiện tại mới chỉ là khởi đầu cho trào lưu này. Họ nhận định rằng “miếng bánh” vẫn còn rất béo bở trong mắt những người có đam mê kinh doanh.
Để thành công, các chủ sân không chỉ cần đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn phải chú trọng đến việc tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người chơi. Các chương trình khuyến mãi, giải đấu và các hoạt động giao lưu sẽ giúp thu hút người chơi mới và giữ chân khách hàng hiện tại. Sự phát triển của cộng đồng người chơi sẽ góp phần tạo ra một môi trường thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển kỹ năng và tăng cường sức khỏe.
Mặt khác, các chủ sân cũng cần chú ý đến sự cạnh tranh trong thị trường. Khi nhiều sân chơi được mở ra, việc nổi bật trong số đông sẽ là một thách thức không nhỏ. Do đó, việc liên tục cải tiến dịch vụ và nâng cao chất lượng trải nghiệm cho người chơi là điều không thể thiếu.
Chị Đỗ Ngọc Hà chia sẻ thêm: “Dù có chi phí cao, nhưng mỗi buổi chơi đều mang lại cho tôi sự thoải mái và những giây phút thư giãn quý giá. Tôi tin rằng với thời gian, môn thể thao này sẽ càng thu hút nhiều người tham gia hơn.” Điều này cho thấy rằng nhu cầu và thị hiếu của người chơi có thể sẽ không ngừng gia tăng.
Lê Hồng