Đó là ý kiến của Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương_(CIEM), khi nói về phương án tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên kịch khung của Bộ Tài chính.
Theo tính toán, nếu thuế BVMT đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng.
Ảnh hưởng lâu dài đến người dân
Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã so sánh giá xăng dầu Việt Nam với một số nước trên thế giới để giải thích cho việc đề xuất tăng thuế kịch khung với xăng dầu.
Nhiều chuyên gia đã phản ứng gay gắt với đề xuất và cách lập luận này, quan điểm chung cho rằng việc tăng thuế có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thu nhập, chi tiêu của người dân.
Theo Ts. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xăng dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, tác động đến rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Mỗi lần giá xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng tiêu dùng cũng "nhảy múa" theo, nếu tiếp tục tăng thuế BVMT với xăng dầu, tác động này sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm, ông Doanh cho rằng thuế xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá xăng dầu tăng, mớ rau quả trứng cũng sẽ tăng theo. Hiện, thu nhập bình quân của Việt Nam đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới, nên so sánh để giải thích cho việc đánh thuế cao trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên.
Đánh giá về tác động của việc tăng thuế BVMT, ban soạn thảo Nghị quyết thừa nhận sẽ có tác động đến tiêu dùng của người dân. Cụ thể, nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, nhóm có thu nhập cao, mức tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng.
Phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn; mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn.
Ông Doanh bình luận: "Tăng thuế BVMT phải tính toán đến ý kiến của người dân, không nên ép, tránh sự phản ứng thái quá. Đây là điều nên tính đến, tránh sự phản ứng tiêu cực gây ra những hệ lụy xã hội".
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng tăng thuế BVMT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà còn giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, do đó cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể.
Thuế BVMT đối với xăng được đề xuất tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít |
Cần minh bạch
Hiện nay, nhiều khu vực kinh tế vẫn còn thất thu lớn, vì vậy, ông Doanh cho rằng nên có những phương án tái cơ cấu lại ngân sách thế nào cho hiệu quả để bù chi ngân sách.
Thực tế, hiện nay, thất thu ngân sách đang rất lớn. Ví dụ, buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, riêng mặt hàng thuốc lá lậu làm thất thu ngân sách 10.000 tỷ đồng/năm…
Ngoài ra, còn phải kể đến việc thất thu từ các chi phí không chính thức. Đặc biệt, các khoản thu từ kinh tế hộ gia đình – nguồn thu chiếm 33% GDP mà đóng góp ngân sách còn chưa đến 1%, trong khi đó chi phí không giảm.
"Bộ Tài chính nên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo hướng chống thất thu, tiết kiệm chi. Phải xem xét đến từng cán bộ thuế của quận, phường, xã, tránh các khoản chi ngoài do tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền…", ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, việc tăng bất cứ loại thuế nào cũng tạo ra mâu thuẫn giữa người tiêu dùng và Nhà nước. Nhà nước có nguồn thu nhưng người dân thì phải bỏ thêm chi phí và "không người nào thích cả". Điều này gây "phản cảm" cho người chịu ảnh hưởng, "nhất là khi thành tựu giảm chi chưa thấy đâu".
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nếu các cơ quan nhà nước chứng minh được việc tăng thuế BVMT với xăng dầu là để phục vụ lại cho người dân, đảm bảo được sự minh bạch trong thu chi thì tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận.
Ngay như việc tại Tờ trình này, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được 47/77 ý kiến đồng tình với việc tăng thuế BVMT với xăng dầu, nhưng trên thực tế, văn bản góp ý của nhiều Bộ ngành lại không thể hiện sự đồng ý đó.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Doanh cho hay: "Một vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến phản đối trong dư luận, Bộ Tài chính cần nêu rõ ai đồng ý, đồng ý vì lý do gì, ai phản đối, phản đối vì sao. Tất cả phải được công khai, minh bạch rõ ràng và sòng phẳng thì mới thuyết phục được người dân"._
Thanh Hoa