Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp dệt may. |
Một trong những nguyên nhân khó tuyển lao động là trong giai đoạn dịch năm 2020, nhiều doanh nghiệp sa thải công nhân, họ đành về quê và không quay lại nữa do dịch kéo dài. Ngoài ra, một lượng lớn lao động đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly chưa thể hoạt động trở lại.
Đơn hàng nhiều vẫn... lo
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ, năm nay doanh nghiệp dệt may không còn lo lắng vì thiếu đơn hàng, mối bận tâm bây giờ là làm sao để sản xuất kịp, giao hàng đúng hẹn cho đối tác.
Nửa đầu năm nay, lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ của công ty TNHH May mặc Dony (Q.Tân Bình, TP.HCM) tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Thậm chí công ty phải từ chối nhiều đơn hàng, điển hình là 2 đơn xuất đi Mỹ, trong đó một đơn gồm 150.000 áo khoác nỉ và một đơn gồm 100.000 áo thun do không đủ nhân lực sản xuất do thiếu lao động.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp dệt may khác. Hơn hai tháng nay, tất cả nhà máy sản xuất của Tổng công ty May Hưng Yên phải chạy hết công suất, công nhân tăng thêm ca và cơ cấu lại kíp làm việc để tăng năng suất lao động, kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì trễ hẹn.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, từ tháng 7 trở đi là thời điểm căng thẳng với doanh nghiệp dệt may. Bởi nếu đợt dịch thứ 4 không được "khoanh" lại, chỉ cần một doanh nghiệp bị dừng sản xuất đôi tuần, một tháng sẽ "quét sạch" trên 10% doanh thu.
"Đơn hàng giờ không thiếu, nhưng đây cũng là yếu tố đáng lo nếu doanh nghiệp làm không kịp trả hàng theo hợp đồng, sẽ bị phạt", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch May Hưng Yên chia sẻ.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân thiếu hụt lao động do trong năm 2020, các doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng trầm trọng nên đã cắt giảm lao động, đến nay dịch bệnh chưa được khống chế, nhiều người vẫn muốn ở quê cho an toàn, nên khi đơn hàng tăng doanh nghiệp không kịp xoay xở. Hơn nữa, việc tuyển dụng lao động hiện nay cũng rất khó khăn do chi phí nhân công ngày càng tăng.
Giải bài toán thiếu hụt lao động
Theo Navigos - đơn vị tuyển dụng nhân sự, dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động, bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, nhiều người không mặn mà.
"Đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động bởi mức lương của công nhân dệt may thấp hơn so với các ngành khác, chẳng hạn như sản xuất điện tử. Bên cạnh đó, thời gian làm việc kéo dài, thậm chí phải làm việc cuối tuần, môi trường dệt nhuộm ảnh hưởng đến sức khỏe", Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search - Ngô Thị Ngọc Lan nhận định.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân lượng lao động hiện tại thông qua các chính sách lương thưởng, phúc lợi. Đi kèm với mức đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí giải pháp trước mắt đang được nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước thực hiện là thương lượng với đối tác để nhận đơn hàng một cách cẩn trọng hơn, đảm bảo tính khả thi, chứ không thể nhận đơn ồ ạt với thời gian giao hàng gấp rút như các năm trước.
Hiện tại một số doanh nghiệp đã làm việc với đối tác để có thể giao chậm 1-2 tuần. Cùng với đó, các công nhân ở nhà máy tăng ca thêm 1-2 tiếng mỗi ngày để kịp tiến độ sản xuất.
Ông Võ Quốc Hào, Tổng Giám đốc công ty CP may Bình Minh (TP.Hồ Chí Minh), cho biết, vốn thiếu hụt lao động, nay lại có nhiều công nhân phải cách ly tại các khu phong tỏa, công ty luôn phải căng thẳng điều phối lao động ở các dây chuyền sản xuất.
“Để đảm bảo tiến độ giao hàng thì trước khi nhận đơn hàng, chúng tôi phải tính toán chọn hàng thuộc sở trường của mình. Thời hạn giao hàng phải giãn ra, thiếu lao động thì luân chuyển người hoặc đưa người từ khối gián tiếp hỗ trợ khối sản xuất trực tiếp”, ông Hào nói.
Trong bối cảnh nguồn cung lao động thiếu hụt nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng triển vọng thị trường dệt may 6 tháng cuối năm sẽ rất khó định đoán. Nếu thoát được đợt dịch thứ 4 và nhanh chóng có vaccine tiêm cho lao động, cùng với đơn hàng dồi dào, đà "thắng" của dệt may sẽ bảo lưu. Ngược lại sẽ là thách thức rất lớn với ngành này.
Hoàng Hà