Xuất khẩu (XK) nông lâm thuỷ sản trở thành điểm sáng chung của cả nước. Đây là nhận định mới nhất của Bộ Công Thương khi ước tính kim ngạch XK của nhóm hàng này trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,8%), chiếm 8,55% tổng kim ngạch XK.
Phục hồi thị trường lớn, giá bán xu hướng tăng
Riêng tháng 5/2022 vừa qua, tuy XK hàng hoá nói chung có giảm tốc so với tháng trước đó, nhưng với XK nông lâm thuỷ sản vẫn được đánh giá là có sức tăng trưởng khả quan. Trong đó, theo Bộ Công Thương, XK thủy sản, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn là điểm sáng trong XK nhóm hàng này.
Để tiếp tục đạt tăng trưởng XK ấn tượng, các DN chế biến sản phẩm từ sắn cần tận dụng tối đa dư địa thị trường. |
Điển hình như XK gạo. Kim ngạch XK mặt hàng nông sản chủ lực này trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 17,2%).
Các doanh nghiệp (DN) XK gạo của Việt Nam đã tận dụng tốt được cơ hội về giá bán và lượng đơn hàng khi đang bước vào thời điểm thế giới đẩy mạnh việc mua hàng.
Sau một thời gian dài chờ giá, các nhà nhập khẩu bắt đầu mua vào do giá lương thực thế giới vẫn giữ xu hướng tăng. Theo dự báo, giá gạo Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao và sự phục hồi ở những thị trường lớn sẽ làm thị trường gạo thêm sôi động trong tháng 6 này.
Giới chuyên gia lưu ý các DN lúa gạo Việt Nam nên tiếp tục tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để thời gian tới đẩy mạnh XK vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, nên tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%
Hay như XK sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5/2022 đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 47,7%).
Theo ghi nhận, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan hiện là 3 thị trường đứng đầu về nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Giá tinh bột sắn nội địa và giá sắn lát XK sang những thị trường này (nhất là Trung Quốc) có xu hướng tăng.
Trong điểm sáng về XK sắn thì Tây Ninh là địa phương nổi trội nhất khi chiếm gần 50% sản lượng XK. Trong khi các tỉnh khác trồng sắn cũng nhiều nhưng để tiêu dùng hoặc sử dụng vào các mục đích khác, riêng Tây Ninh dùng chế biến tinh bột và sau tinh bột như bột biến tính, mạch nha…nên có giá trị gia tăng cao.
Tận dụng tối đa dư địa
Không chỉ vậy, tỉnh Tây Ninh không có chủ trương tăng diện tích nhưng sẽ tăng năng suất sắn. Năng suất sắn ở Tây Ninh đang cao nhất nước, khoảng 32 tấn/ha và đang phấn đấu từ nay đến năm 2025, đưa năng suất sắn lên khoảng 35 tấn/ha.
Năm ngoái, XK sắn và các sản phẩm từ sắn đã mang về kim ngạch hơn 1,16 tỷ USD. Giới chuyên gia nhận định ngành sắn vẫn còn dư địa phát triển rất lớn trên thị trường XK nên các DN cần tận dụng tối đa.
Để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì rất cần ngành này nâng cao chất lượng sắn XK sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Trung Đông và Châu Phi thông qua tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Còn với XK thuỷ sản. Tuy Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (Vasep) có cho rằng trong tháng 5 có hạ nhiệt so với tháng trước đó, nhưng Bộ Công Thương đánh giá kim ngạch XK thủy sản trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, riêng XK thủy sản cả nước ước tính đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12%). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được cho là đang mở ra cơ hội cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Nhất là giúp DN có thể đẩy mạnh XK các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi XK đến các đối tác thương mại hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), XK thuỷ sản sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần XK thủy sản của Việt Nam) đang duy trì tăng trưởng khả quan.
Trong XK thuỷ sản vào RCEP thì XK tôm vào thị trường Australia từ đầu năm đến nay được cho là có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đó. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia, chiếm 72% tổng giá trị nhập khẩu tôm của thị trường này.
Điểm sáng cần ghi nhận là trong các nguồn cung cấp tôm chính cho Australia từ đầu năm đến nay thì tôm từ Việt Nam tăng trong khi nhập khẩu từ các nguồn cung còn lại giảm. Australia cũng vượt qua Anh, vươn lên vị trí thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam với tỷ trọng tăng lên 7%.
Với lợi thế là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia trong nhiều năm qua, cùng với lợi thế từ RCEP, kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Australia kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Thế Vinh