Gần 2 tuần triển khai quy định mới, trên các trang mạng xã hội, như Facebook, fanpage, Zalo...các bài đăng bán hàng xách tay vẫn rất sôi động. Ảnh Int. |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt hành chính hay hình sự cũng chỉ là biện pháp ngăn chặn phần ngọn. Quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn từ gốc, ngay cửa khẩu biên giới, vì khi hàng lậu đã “tuồn” vào trong nước thì kiểu gì cũng “tìm được đường tiêu thụ” và như vậy tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” vẫn diễn ra từ năm nay qua năm khác.
Chiêu "né" kiểm tra
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Nghị định 98 thực chất là để cụ thể hóa hơn các quy định trong Nghị định 185/2013 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu… hiện hành. Trước đây, khi chưa có Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường xử phạt đối với hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu.
Nghị định mới quy định rõ hơn và mức xử phạt đã tăng nặng lên rất nhiều. Ví dụ, nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu đến dưới 5 triệu đồng sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Mức phạt đối với hoạt động kinh doanh hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan… có giá trị 100 triệu đồng bị phạt đến 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, gần 2 tuần triển khai quy định mới, trên các trang mạng xã hội, như Facebook, fanpage, Zalo... các bài đăng bán hàng xách tay vẫn rất sôi động, thậm chí gần đến tháng giảm giá lớn nhất trong năm của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các thương nhân "chợ mạng" Việt đã rầm rộ quảng bá và nhận đặt hàng xách tay. Các mặt hàng xách tay cũng rất đa dạng, từ mỹ phẩm, thực phẩm, bia, rượu cho đến máy tính, đồng hồ…
Theo Chị Huyền Thương, sinh viên đại học Kinh tế Quốc dân đang làm thêm bán hàng online chia sẻ: “Tôi có 1 nhóm bạn đang là du học sinh bên Mỹ chuyên đi “săn hàng” giảm giá. Khi nào có khách đặt hàng tôi mới báo đầu bên kia để đi mua và chuyển về bằng đường xách tay. Tiền công bằng khoảng 10-15% tổng giá trị đơn hàng, phí vận chuyển sẽ do khách mua hàng chi trả”.
Chị Thương cho biết, năm ngoái chỉ tính riêng trong tháng 11 (cao điểm của đợt giảm giá), chị nhận gần 500 đơn đặt hàng. Thời điểm hiện nay các thương hiệu thời trang bắt đầu chiến dịch giảm giá, mỗi ngày chị nhận được từ 20-30 đơn đặt hàng. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 11, nhu cầu đặt hàng sẽ còn sôi động hơn nữa.
Khi được hỏi về quy định “siết” kinh doanh hàng xách tay đã có hiệu lực, chị Thương cho rằng, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và xử phạt những đại lý lớn, chứ với các cá nhân bán hàng nhỏ lẻ trên trang cá nhân nhiều vô kể, làm sao quản lý và xử phạt hết được.
“Nếu cơ quan quản lý có kiểm tra cũng khó có bằng chứng để xử phạt vì hầu hết khách hàng đều là bạn bè, người quen, lúc đó tôi sẽ bảo mua hộ”, chị Thương chia sẻ cách né xử phạt.
Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù chế tài xử phạt kinh doanh doanh hàng xách tay vừa được nâng lên đến 200 triệu đồng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ thì mới chấm dứt được tình trạng này, mang lại công bằng cho sản xuất trong nước.
Thực tế, việc xử lý kinh doanh hàng xách tay không dễ do hầu hết các sản phẩm hàng xách tay ngay khi về Việt Nam được các thương nhân chợ mạng vận chuyển luôn cho khách hàng, nên lực lượng quản lý không thể “bắt tại trận” để xử phạt.
Đối với các đại lý, cửa hàng lớn, sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.
Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm trong kinh doanh hàng xách tay hiện nay cũng gặp khó do người bán thường thuê điểm kinh doanh nên đến khi ra quyết định xử phạt hành chính thì các cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng đi trốn. Trường hợp này, nếu tòa án tuyên bố mất tích thì mới tịch thu hàng hóa, còn không phải đi xác minh rất phức tạp.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng việc tăng mức xử phạt chỉ có tác dụng với các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng xã hội. Còn đối với các đại lý, cơ sở kinh doanh lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đồng nghĩa với lợi nhuận mang lại rất lớn, nên đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận. Vì vậy, cần quy định cụ thể về xử lý cả vi phạm hình sự.
TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc bởi không không chỉ làm thất thu thuế nhà nước rất lớn, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo “rào cản” trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào một quốc gia nào đó, ngoài việc xem xét các chính sách về thuế, phí, đất đai, họ còn đánh giá chính sách ngăn chặn, kiểm soát gian lận thương mại, hàng giả. Vì vậy, nếu tình trạng này không được kiểm soát tốt, Việt Nam sẽ “mất điểm” trong thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Thịnh nói.
Huyền Anh