Bên cạnh “người chơi” cũ, thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều đối thủ đáng gờm mới, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, người dùng bị cuốn hút bởi “ma trận” giảm giá, khuyến mãi mà các hãng sữa đang tung ra.
Khuyến mãi “khủng”
Tại một siêu thị lớn ở Hà Nội, chị Hạnh (quận Thanh Xuân) đang phân vân không biết nên chọn loại sữa tươi mua một lốc tặng một hộp sữa cùng loại, hay mua hai lốc loại khác tặng một hộp đồ chơi xếp hình. Nhanh chóng, cậu con trai chạy xuống khỏi xe đẩy, vơ liền một loại sữa khác có gắn kèm quà tặng là một chiếc ô tô.
Trước đây, các doanh nghiệp (DN) chỉ tung chương trình khuyến mãi, tặng sản phẩm sữa vào những dịp đặc biệt như kỷ niệm ngày thành lập công ty, năm mới… Hiện nay, hầu như hãng sữa nào cũng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi.
Giám đốc một DN sữa chia sẻ, chưa bao giờ thị trường sữa nước khuyến mãi khủng khiếp như hiện nay. “Để có thể cạnh tranh, chúng tôi cũng phải đưa ra các chương trình giảm giá, quà tặng đi kèm, nhưng nhiều khi cũng đuối sức vì có hãng khuyến mãi một cách quá khủng khiếp”, vị giám đốc này nói.
Theo Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước dự kiến đạt 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu năm 2025.
Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, 70% sữa nước được sản xuất tại Việt Nam là từ sữa hoàn nguyên. Trong đó, nhu cầu sữa tiệt trùng và sữa thanh trùng (sữa nước sản xuất từ sữa tươi) ngày càng tăng cao do thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ dưỡng.
Ngoài ra, mức tiêu thụ các sản phẩm khác được sản xuất từ sữa tươi, đặc biệt là sữa chua cũng đẩy nhu cầu sữa tươi tăng cao.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, sữa nước có tính cạnh tranh ít hơn so với sữa bột, vì các DN trong nước có lợi thế về nguồn cung. Phân khúc này có tốc độ tăng trưởng gộp bình quân năm khoảng 14,6% trong 5 năm qua và tăng trưởng 13% trong năm 2018.
Đặc biệt, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa chua, sữa nước cao cấp (organic, sữa tươi 100% A2) và các loại sữa thay thế từ thực vật (sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa macca) đang ngày càng gia tăng. Bởi vậy, các DN cũng đang chạy đua cho ra đời những sản phẩm trên.
Không phải hiển nhiên khi vừa qua, Việt Nam là thị trường đầu tiên trên toàn cầu được Coca – Cola chọn ra mắt dòng sản phẩm sữa mang thương hiệu Nutriboost (sữa tươi chiếm 95%).
![]() |
Lượng tiêu thụ sữa của người Việt đang tăng mạnh |
Nhiều ông lớn nhảy vào
Ông Nguyễn Hoàng Khang, Trưởng Bộ phận tiếp thị toàn quốc của Coca – Cola, khẳng định chỉ trong vòng 60 ngày đầu tiên, thương hiệu Nutriboost sẽ phủ 3.300 cửa hàng chuyên sữa, 21.600 tạp hóa bán sữa…
Đồng thời, Coca – Cola cũng chuẩn bị 250.000 vật dụng quảng cáo trang hoàng, chiếm 1/4 số lượng cửa hàng tại Việt Nam, tung ra 1.400.000 sản phẩm dùng thử, trong đó 1.000.000 sản phẩm dành cho trẻ em và 400.000 dành cho năng lượng và sắc đẹp.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, mặc dù chưa tuyên bố kế hoạch cụ thể, “đại gia” ngành hàng tiêu dùng Masan cũng tuyên bố sẽ gia nhập thị trường sữa vào năm 2021.
Trước sự đổ bộ của nhiều cái tên mới, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết DN này không tỏ ra lo ngại vì phải có cạnh tranh thì mới phát triển. Vinamilk tự tin vì có được nguồn nguyên liệu trên thị trường sữa tươi với hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).
Đặc biệt, Vinamilk có thể sản xuất bình quân 950 – 1.000 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, tương đương khoảng 5,5 triệu hộp sữa tươi/ngày (với dung tích hộp 180ml) cho người tiêu dùng khắp cả nước.
Tập đoàn TH cũng không kém cạnh, theo DN này, đến nay đã gây dựng được đàn bò sữa hữu cơ quy mô lớn nhất Việt Nam lên tới hơn 1.000 con và hiện có hơn 500 con đã cho nguồn sữa tươi nguyên liệu. Hiện, trên thị trường sữa tươi TH true Milk organic được phân phối bao bì 500ml và 1 lít, bên cạnh dòng sản phẩm TH true Milk công thức Topkid dành cho trẻ em.
Dự báo tiêu thụ bình quân sữa ổn định ở mức 27-28 lít/người/năm, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng việc DN sữa nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ hội nhập.
DN Việt Nam có lợi thế là hiểu rõ thị trường trong nước và có khả năng phân phối tới vùng sâu vùng xa. DN Việt cũng là người hiểu tình trạng bệnh tật của người Việt nên dễ dàng nghiên cứu và phát triển được các sản phẩm đặc trị dành cho người bệnh.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho DN biết tập trung đầu tư, nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường.
“Nếu không tự thay đổi về chất lượng, mẫu mã, dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cuối cùng chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Trung cảnh báo.
Thy Lê