Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, nửa đầu năm nay, xuất khẩu sò điệp nguyên liệu đông lạnh của Nhật Bản sang Việt Nam tăng đột biến.
VASEP dẫn dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu sò điệp nguyên liệu đông lạnh có vỏ ở mức 239 JPY/kg (1,51 USD/kg). Tính riêng tháng 6, giá sò điệp của nước này đạt 278 JPY/kg, hồi phục đáng kể so với tháng trước đó và tăng mạnh so với mức đáy 155 JPY/kg vào tháng 3.
Đáng chú ý, Nhật Bản đã xuất khẩu 13.075 tấn sò điệp nguyên vỏ sang Việt Nam trong nửa đầu năm nay. So với cùng kỳ năm trước, lượng sò điệp Nhật đổ về thị trường Việt tăng đột biến tới 2.078%, tuy nhiên giá trung bình đạt 231 JPY/kg, giảm 49%.
Nhật Bản đã xuất khẩu 13.075 tấn sò điệp nguyên vỏ sang Việt Nam trong nửa đầu năm nay, giá rẻ hơn rất nhiều. |
Đặc biệt, tháng 6 ghi nhận đơn hàng cao kỷ lục với 5.256 tấn sò điệp, tăng mạnh 1.110% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, Nhật Bản đang cố gắng đa dạng thị trường xuất khẩu loại hải sản này. Trước kia, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sò điệp chính của Nhật Bản. Trung bình hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 95.000 tấn sò điệp nguyên liệu từ Nhật.
Tại Việt Nam, sò điệp là món ăn quen thuộc của những thực khách "sành ăn". Thời gian gần đây, món ăn “tinh hoa Nhật Bản” này trở nên phổ biến và rẻ hơn trước.
Chị Huệ (Hà Nội) cho biết năm ngoái chị mua sò điệp loại 155-158 cồi một kg khoảng 300.000 đồng, hiện còn 150.000 đồng. Nhờ giá phải chăng, giá trị dinh dưỡng cao, chị thường xuyên mua loại hải sản này về chế biến cho gia đình thưởng thức.
Tại TP HCM, sò điệp Nhật cũng được nhiều doanh nghiệp nhập về bán. Hiện mỗi kg loại 20-25 con khoảng 550.000 đồng, giảm 30% so với trước.
CEO một chuỗi hải sản lớn tại TP HCM cho biết trước đây chỉ vài doanh nghiệp nhập loại hải sản này, nhưng hiện số đơn vị kinh doanh tăng vài lần, nên giá cạnh tranh. Nhằm thu hút thêm khách hàng, ngoài hàng đông lạnh, từ đầu năm nay hệ thống của ông nhập thêm sò điệp sống nguyên con. Giá sò điệp tươi cao hơn hàng đông lạnh, nhưng nhờ chất lượng vượt trội, doanh số bán ra tăng gấp ba lần so với đầu năm.
Lý giải nguyên nhân sò điệp Nhật đổ xô vào Việt Nam, theo ông Tân - Giám đốc một doanh nghiệp phân phối ở TP HCM, sau khi Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản vì sự cố xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima, nước này buộc phải mở rộng thị trường. Việt Nam và các nước Đông Nam Á trở thành những thị trường tiêu thụ mới, hấp dẫn của họ.
Ngoài là thị trường tiêu thụ, Việt Nam còn trở thành nơi gia công chế biến sò điệp cho Nhật Bản. Các nhà máy tại Việt Nam thí điểm chế biến sò điệp Hokkaido, sau đó xuất khẩu ngược trở lại Nhật, để cung cấp cho các nhà hàng và đơn vị bán lẻ. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, người Việt chi 101,5 triệu USD để nhập khẩu thủy hải sản từ Nhật, gồm sò điệp, cá hồi, bạch tuộc và cá trích.
Hồng Hương