Tình trạng giá cước vận chuyển container tăng không có dấu hiệu dừng lại. Nhận định của nhiều chuyên gia cho thấy, có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển, cho thấy sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao mới
Cước vận tải biển tăng phi mã
Từ hồi đầu năm 2021, giá vận tải container đã bắt đầu có dấu hiệu tăng, đặc biệt từ đầu tháng 4/2021 đến nay, giá vận tải container tăng theo từng tuần. Theo đại diện một công ty chế biến thuỷ sản, vào thời điểm tháng 4/2021, vận chuyển container đi Mỹ có giá 8.000 USD/container, đến nay đã cán mốc 20.000 USD. Còn đối với container lạnh từ 7.500 USD tăng lên khoảng 13.000-14.000 USD/container.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển container trên các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi châu Âu cũng gia tăng chóng mặt. Đơn cử vào thời điểm tháng 4/2021, cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên 5.000 - 6.000 USD, đạt mức 15.000 USD/container 40 feet, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa.
Về nguyên nhân giá cước vận chuyển container tăng, Hội đồng vận tải thế giới nhìn nhận, do sự chênh lệch trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh và phục hồi sản xuất giữa 2 khu vực Thái Bình Dương và khu vực Mỹ, EU dẫn tới hiện tượng lệch cán cân thương mại.
Dự báo cước vận tải biển có thể đạt đỉnh vào quý IV/2021 và giảm dần vào năm 2022 (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó là sự kiện tắc nghẽn tại kênh đào Suez và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây áp lực lớn lên ngành vận tải biển toàn cầu vốn đã căng thẳng, tình trạng chậm trễ trong chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất và bán lẻ khắp thế giới càng thêm trầm trọng.
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến từ đầu năm 2021 hết ngày 15/7 đạt 345,45 tỷ USD (tăng 32,3%, tương ứng tăng 84,31 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020). Số lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 7% (trên 302 triệu tấn), trong đó khối lượng hàng hóa container tăng 24%, đạt hơn 10,3 triệu TEU. Đây là mức tăng trưởng hàng container cao nhất trong những năm gần đây. Một số khu vực cảng biển có hàng container thông qua lớn nhất cả nước như khu vực Vũng Tàu tăng 38% (1 triệu TEU), khu vực Hải Phòng tăng 21,35% (425.426 TEU) và khu vực TP. HCM tăng 17,2% (513.912 TEU).
Ông Trần Tuấn Hải, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, việc tăng cước chủ yếu nằm trên dải tuyến xa, chạy thẳng chở container từ châu Á sang bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ hoặc châu Âu.
Cũng theo ông Hải, hiện tại Việt Nam không có tàu dạng này, việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng dẫn đến việc khan tàu đã đẩy giá cước lên, đây là xu hướng vận tải hàng hải toàn thế giới.
Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Bà Khánh Phương, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang Địa Trung Hải và một số nước châu Âu cho biết, hiện giá cước đi châu Âu đã lên tới 13.000 USD/container 40 feet. Cùng đó, là việc khan hiếm tàu vận chuyển khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Nguyên nhân là do tình trạng ách tắc hàng hóa không chỉ diễn ra tại các cảng biển ở Mỹ và một phần châu Âu, mà lan rộng ra cả đầu Trung Quốc nên số lượng vỏ container ngày càng thiếu so với nhu cầu xuất hàng tại các quốc gia như Việt Nam.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do thiếu hụt cán cân container là các tuyến vận tải không được lưu thông thông suốt, mất cân bằng luồng container do đại dịch Covid-19 (năm 2020, hầu như các nước đều bị phong tỏa bởi Covid-19).
Đặc biệt, năm 2021 mặc dù một số nền kinh tế đã phục hồi, nhưng phục hồi không đồng đều, nhất là châu Á vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Các công ty xuất khẩu đồng ý chi trả chi phí lớn để có thể book được container, chính vì vậy làm tăng giá cước.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, VIMC chỉ đạo các cảng chuẩn bị sẵn sàng các hoạt động tại cảng để hàng hóa không phải nằm lưu kho, lưu bãi, như bố trí vỏ container để đóng hàng. Hiện chỉ còn một số địa phương là Hải Phòng và TP. HCM đang thu phí hạ tầng cảng biển.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt container, một số doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất container nhưng đây không phải là giải pháp căn bản, vì nguồn cung về nguyên liệu chưa thực sự thông suốt. Do đó, thay vì phải trả cước phí cao, các doanh nghiệp đành phải giãn đơn hàng.
Theo SSI Research, hiện nay có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển. Điều này cho thấy sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao mới, và mức giá cước cao như vậy sẽ không bền vững trong dài hạn. Giá cước có thể đạt đỉnh vào quý IV/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Tiếp đó, giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch Covid-19.
“Theo Drewry, giá cước bình quân có thể tăng 23% trong năm nay và có thể giảm nhẹ khoảng 9% trong năm 2022 do nhu cầu trở lại mức bình thường, trong khi giá cước dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước dịch Covid-19, vì các hãng vận tải có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý nguồn cung và tăng hợp tác", SSI Research nhấn mạnh.
Hải Sơn