Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết, so với năm 2016, ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa tại Việt Nam trong năm 2017 đang chứng kiến sự tăng trưởng “kép” về sản lượng bán lẻ, ước đạt 26.600 tấn, tăng 7%, và giá trị bán lẻ đạt 3.033 tỷ đồng, tăng 15%. Bình quân mỗi ngày, người Việt tiêu thụ khoảng 72,8 tấn sản phẩm này.
“Ông lớn” ganh đua
Với hai “quân bài” then chốt là kem Merino và Celano, Kido tiếp tục dẫn đầu thị trường kem Việt 8 tháng đầu năm với hơn 40% thị phần. Chia nhau hai vị trí tiếp theo lần lượt là hai “ông lớn” Vinamilk chiếm 9,1% thị phần và Unilever/Wall’s chiếm 8,4% thị phần.
Nằm ngoài tốp 3 nhưng các tên tuổi ngành kem như Thủy Tạ, Tràng Tiền, Funny cũng đang có nhiều tham vọng cạnh tranh với thị phần dao động trong khoảng 4 – 6%.
Những diễn biến trên thị trường cho thấy cuộc đua trong ngành kem đang vô cùng gay cấn. Nếu Kido tỏ ra quá vượt trội với chuỗi hơn 70.000 điểm bán lẻ phủ sóng toàn quốc, trong đó có khoảng 50.000 tủ lạnh do chính công ty sở hữu, thì các vị trí tiếp theo liên tục thay đổi theo từng tháng.
Trong hai quý đầu năm 2017, ba vị trí xếp sau Kido trong tốp 4 lần lượt là Unilever/Wall’s (10%), Thủy Tạ (10%) và Vinamilk (9%). Tuy nhiên, sang quý III, theo thống kê mới nhất, Vinamilk đã vượt lên để xếp vị trí thứ hai với 9,1% thị phần.
Vinamilk đã rất thành công trong phân khúc kem hộp qua kênh phân phối là siêu thị. Hiện tại, danh mục sản phẩm kem của Vinamilk bao gồm 50 mã hàng (so với khoảng 20 của Wall’s và 200 của Kido) với bốn thương hiệu: Kem hộp Vinamilk (sử dụng tại nhà), Delight, Nhóc Kem (kem đá) và Twin Cows.
![]() |
Cuộc đua trên thị trường kem Việt Nam đang đến hồi gay cấn
Unilever/Wall’s bị đẩy xuống vị trí thứ ba với khoảng 8,4% thị phần song vẫn là nhà sản xuất kem hàng đầu khu vực với 70% thị phần tại Indonesia, 61% thị phần tại Thái Lan, 52% thị phần tại Philipines và 33% thị phần tại Malaysia. Với 10% thị phần trong năm 2016, doanh thu của Wall’s tại Việt Nam đạt 115 triệu USD.
Trong nhóm “ngũ đại gia” ngành kem còn phải kể đến Thủy Tạ và Tràng Tiền. Tuy đang có phần “đuối sức” trong cuộc đua tốp đầu nhưng đây vẫn là hai thương hiệu kem truyền thống và luôn giữ được lượng khách hàng ổn định.
Năm 2016, Thủy Tạ là thương hiệu giữ vị trí “đồng hạng ba” với 10% thị phần (bằng với Unilever/Wall’s), còn Tràng Tiền chiếm 5% thị phần, nằm trong tốp 5 thương hiệu mạnh nhất.
Sức ép từ khối ngoại
Theo dự báo của Euromonitor International, thị trường kem Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng trong 5 năm tới. So với nhiều nước trong khu vực, mức chi tiêu hiện nay cho mặt hàng kem ở Việt Nam vẫn còn thấp. Cụ thể, tính bình quân, người Việt chi 35.000 đồng/người/năm để mua kem ăn trong khi ở Malaysia là 122.000 đồng, Singapore là 391.000 đồng.
Tiềm năng của thị trường kem Việt Nam đã tạo ra sức hút mạnh mẽ với các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết thương hiệu kem ngoại nổi tiếng của các nước đều đã hiện diện tại thị trường Việt Nam như: BUDS, H_agen-Dazs, Baskin – Robbins, Snowee, Swensens, Fanny, Monte Rosa, Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs, New Zealand Natural…
Trong đó, Swensens và Baskin-Robbins đang cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là ở mảng kem không đóng gói. Hai dòng kem Milo và Kit Kat của Nestlé cũng đã có những tác động nhất định trong ngành.
Nestlé, với những sản phẩm được nhập khẩu từ Thái Lan, cùng giá trị thương hiệu mạnh và mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc, dự kiến sẽ trở thành một thế lực đáng gờm trong tương lai.
Bên cạnh đó, nếu các thương hiệu kem đến từ châu Âu thường có giá quá cao, khó cạnh tranh, các dòng kem đến từ Hàn Quốc, Thái Lan với chất lượng tốt, giá cả phải chăng (dao động trong khoảng 12.000 – 20.000 đồng/cây kem), đang là những sản phẩm được nhiều khách hàng Việt lựa chọn. Những loại kem này được bày bán rất nhiều trong siêu thị, các cửa hàng tiện lợi hay hệ thống bán lẻ.
Một thị phần kem đang phát triển rất nhanh là kem tươi của Lotteria, KFC, McDonald’s… Ở nhiều cửa hàng thức ăn nhanh, lợi nhuận từ lượng kem hằng ngày bán ra còn cao hơn sản phẩm chính.
Hiện tại, nhìn vào thị phần thị trường kem, các thương hiệu ngoại vẫn đang yếu thế hơn hẳn các doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức khá cao và ổn định, thu nhập của người Việt ngày càng tăng cùng với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu thụ lớn, đặc biệt ở phân khúc giá cao, cho nên cuộc chiến dành thị phần của khối nội và khối ngoại sẽ ngày càng trở nên khốc liệt.
Thực tế, sự lớn mạnh của khối ngoại là lý do khiến các “ông lớn” kem nội phải dè chừng và nỗ lực hơn nữa để giữ vững “sân nhà”. Đơn cử như Kido đã tiến hành IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) từ tháng 4/2017.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido Group, “Sau khi IPO, sức mạnh tài chính của Kido sẽ tăng thêm và theo đó, những kế hoạch M&A có thể triển khai nhanh hơn”.
Hiến Nguyễn