Tương tự như mô hình hoạt động của Grab, Uber, “xe ôm công nghệ” của Mai Linh cũng hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, kết nối khách hàng có nhu cầu di chuyển với lái xe nhàn rỗi. Lái xe trở thành đối tác của Mai Linh sẽ được miễn phí 2 tháng đầu sử dụng dịch vụ kết nối.
“Tiến hóa” để cạnh tranh
Sau 2 tháng, tỷ lệ chia sẻ doanh thu được ấn định ở mức 15 – 85. Trong đó, Mai Linh hưởng 15% doanh thu vận chuyển khách từ lái xe. Nói cách khác, Mai Linh thu từ lái xe thấp hơn của các hãng dịch vụ trên thị trường, thường dao động 20 - 25% tổng cước mỗi chuyến. Đồng nghĩa với việc lái xe được lợi hơn khi làm việc cùng Mai Linh.
Về giá cả, dịch vụ M.Bike của Mai Linh được chia làm hai phân khúc, bình dân với M.Bike và cao cấp hơn với M.Bike Premium. Với M.Bike thông thường, cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu, 3.800 đồng/km tiếp theo. M.Bike Premium có giá cước gấp đôi M.Bike thông thường, ở mức 20.000 đồng/2km đầu và 7.000 đồng/km tiếp theo.
Mức giá được công bố của M.Bike không quá chênh lệch so với hai đối thủ trực tiếp là UberMOTO và GrabBike. Hiện cước phí UberMOTO là 3.700 đồng/km, phí sử dụng dịch vụ 200 đồng/phút, cước phí hủy chuyến 5.000 đồng và cước phí tối thiểu 10.000 đồng.
Tương tự, GrapBike áp mức giá cước 11.000 đồng/2km đầu tiên với thị trường Hà Nội, 12.000 đồng/2km đầu tại thị trường Tp.HCM. Tuy nhiên, mức giá này còn được điều chỉnh linh hoạt theo khu vực, giờ cao điểm.
Một ứng dụng Việt khác là Go-ixe cung cấp dịch vụ xe ôm công nghệ cũng có mức giá tương đương. Giá cước phí cơ bản khi sử dụng dịch vụ Go-bike là 3.600 đồng/km. Đối với 2km đầu tiên, hãng áp dụng mức cước 11.000 đồng.
Có thể thấy, việc Mai Linh chính thức kinh doanh “xe ôm công nghệ” cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của hãng taxi truyền thống nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ thị phần trước sự thắng thế của các hãng taxi công nghệ nước ngoài.
Trước Mai Linh, một tên tuổi taxi truyền thống khác là Vinasun cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến “xe ôm công nghệ”. Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành cho biết công ty đang nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến.
![]() |
75% khách hàng vẫn lựa chọn đồng thời taxi truyền thống và taxi công nghệ, nếu chất lượng dịch vụ và giá cả tương đương, các hãng xe truyền thống sẽ có nhiều lợi thế, đặc biệt trong phân khúc gọi xe dọc đường.
Thành bại ở dịch vụ
Theo Bộ GTVT, đến nay đã có 7 doanh nghiệp vận tải của Việt Nam được chấp thuận thí điểm ứng dụng công nghệ vào vận tải hành khách, không khó để tìm thấy các ứng dụng công nghệ của Vinasun, Mai Linh, Thành Công, Vic… trên AppStore (Apple) và Play Store (Google).
Sự xuất hiện của Grab và Uber ở Việt Nam kéo theo sự hình thành của thị trường “xe ôm công nghệ”, trên thị trường taxi, 2 hãng công nghệ ngoại đã thắng thế thấy rõ. Sự nhập cuộc của Mai Linh cho thấy các hãng taxi truyền thống đang thay đổi, chủ động nghiên cứu, tiếp nhận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài.
Trước đó, khi các doanh nghiệp taxi Việt Nam đồng loạt kiến nghị dừng thí điểm Uber, Grab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cạnh tranh của taxi công nghệ là quy luật tất yếu của thị trường, _doanh nghiệp nào không chịu cạnh tranh về công nghệ, chất lượng dịch vụ, giá cả mà chỉ vận động, lobby cho những biện pháp can thiệp hành chính, sẽ bị đào thải.
Quả nhiên, khi cơ chế quản lý công bằng theo nguyên tắc thị trường, sức ép cạnh tranh buộc các doanh nghiệp taxi truyền thống phải thực hiện những cuộc “cách mạng” về công nghệ và chất lượng dịch vụ, điển hình mới nhất là dịch vụ “xe ôm công nghệ” của Mai Linh.
Tất nhiên, tạo điều kiện cho taxi công nghệ như Grab, Uber hoạt động không có nghĩa là bỏ rơi các hãng taxi truyền thống. Cả Chính phủ và các bộ, ngành vẫn đang rất quan tâm để trợ lực cho các hãng taxi truyền thống có cơ hội “lớn”, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng để các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cùng phát triển.
Khi mặt bằng về công nghệ, giá cước tương đồng nhau, thành bại sẽ được quyết định bằng chất lượng dịch vụ. Theo một khảo sát của Q&Me, 75% khách hàng vẫn lựa chọn đồng thời taxi truyền thống và taxi công nghệ, nếu chất lượng dịch vụ và giá cả tương đương, các hãng xe truyền thống sẽ có nhiều lợi thế hơn so với Uber, Grap, đặc biệt trong phân khúc gọi xe dọc đường.
“Để tạo sức ảnh hưởng với dịch vụ xe ôm công nghệ, Mai Linh cần bảo đảm hai yếu tố, một là tạo ra được mạng lưới lái xe lớn, bao phủ rộng để đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, hai là sự chuyên nghiệp, tận tâm của đội ngũ lái xe”, một chuyên gia cho hay.
Rõ ràng, khi các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, quyền quyết định sẽ thuộc về khách hàng. Trong bối cảnh các hãng taxi công nghệ liên tục có những động thái tăng giá cước, chiết khấu doanh thu của lái xe, nếu các hãng taxi truyền thống có thể tận dụng tốt cơ hội, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, cơ hội chiến thắng vẫn rất sáng.
Hiến Nguyễn