Việc áp dụng Nghị định 15 được giới chuyên gia đánh giá là cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP. Đặc biệt, khác với các Nghị định khác đều cần phải có thời gian chờ mới có hiệu lực, Nghị định 15 có hiệu lực ngay lập tức sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 2/2/2018.
Đánh giá về Nghị định 15, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Nghị định này thay đổi cơ bản phương thức quản lý ATTP ở Việt Nam. Việc chuyển từ Nghị định 38 trước đây sang Nghị định 15 là cả một cuộc “tranh đấu” rất gay gắt”.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Nghị định 15 được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, song trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Về những thay đổi cụ thể, ông Trần Nhật Nam, Trưởng phòng Pháp chế – Hội nhập (Cục ATTP) nói rõ: một trong những điểm mới quan trọng đầu tiên tại Nghị định 15 là cho phép DN được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và sở y tế.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm… Các sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước_được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào công bố của DN để triển khai công tác hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.
Riêng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục ATTP, Bộ Y tế; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, DN đăng ký bản công bố tại sở y tế địa phương.
Ngoài ra, Nghị định 15 cũng sẽ tạo hành lang thông thoáng trong kiểm tra nhà nước về ATTP khi bỏ kiểm tra tại 9 mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như: các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Phương thức kiểm tra theo Nghị định 15 cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sơ trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên…
Theo đại diện Cục ATTP, với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên, khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, ông Nam cho biết Nghị định 15 tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Đặc biệt, đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các thủ tục hành chính.
Nghị định 15 được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tiết kiệm 3.700 tỷ đồng mỗi năm
Nhận định về Nghị định 15, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: “Nghị định 15 chính là “món quà” đầu năm đầy ý nghĩa mà Chính phủ, Bộ Y tế dành cho cộng đồng DN”.
Ông Lộc cho hay việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Trước đó, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục ATTP cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép.
Khảo sát của CIEM cho thấy để xin được một giấy xác nhận, trung bình DN mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng (gồm chi phí chính thức và cả phi chính thức). Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.Nhưng với Nghị định 15, như lời ông Lộc, “đã giúp DN tiết kiệm quá nhiều thời gian và chi phí”.
“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN, nỗ lực đưa ra Nghị định mới này”, ông Lộc nói và hy vọng các bộ, ngành lĩnh vực khác sẽ mang lại những “món quà” đầy trách nhiệm như vậy để khuyến khích, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích cho người dân.
Về phía DN, ông Diệp Hồng Khôn, đại diện công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết yêu cầu 100% trách nhiệm, hay quản lý hậu kiểm không phải là một áp lực mà lại trở thành động lực để các DN tuân thủ pháp luật, nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng. Bởi “nếu DN tuân thủ đầy đủ quy định về ATTP của Nghị định 15 thì sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, cho cơ quan quản lý về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm của mình”.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Tuấn, Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng của Eurocham, cho rằng Nghị định 15 là “cực kỳ thuận lợi” theo thông lệ quốc tế.
Hoàng Phú