Đây là lời khuyên mà ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, dành cho các DN Việt khi mà FTA giữa EU và Việt Nam đã được ký kết, nhưng số DN Việt chủ động để tận dụng cơ hội từ hiệp định này lại không nhiều.
Vật cản hội nhập
Nhân chuyến công tác nhằm nâng cao nhận thức về các lợi ích và cơ hội của FTA vừa mới kết thúc quá trình đàm phán giữa EU và Việt Nam của ông Mauro Petriccione - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại Ủy ban châu Âu, Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) của EU tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - EU, cơ hội cho DN”.
Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: “Cơ hội của DN Việt Nam trong FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đang rất lớn và có thể lớn nhất trong các hiệp định FTA gần đây. EU đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP là 18.000 tỷ USD/năm, FTA Việt Nam - EU là một hiệp định thế hệ mới, toàn diện và cơ chế mở cửa rất nhanh. 7 năm sau khi tham gia, sẽ có 99% hàng hóa Việt Nam vào EU được xóa bỏ thuế quan. Đây là nền kinh tế đa dạng, bên cạnh những nước phát triển cao như Anh, Đức, Pháp… thì có một số nước Đông Âu mới gia nhập trình độ phát triển chưa cao, do đó yêu cầu rất đa dạng. Chính vì thế, cơ hội lớn cho hàng Việt”.
Tuy nhiên, trước cơ hội lớn từ EVFTA, ông Trương Đình Tuyển chia sẻ: “Cơ hội tự thân nó không biến thành lợi ích. EVFTA đòi hỏi Việt Nam cải cách mạnh mẽ khu vực kinh tế Nhà nước, môi trường kinh doanh. Thực tế, đây là hai yếu tố yếu nhất của Việt Nam, nó là trở ngại, ngáng đường Việt Nam hội nhập hoàn toàn với thế giới”.
Về thách thức hội nhập đối với việc cải cách khu vực DNNN và môi trường kinh doanh, ông Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: Đây là những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết, để tận dụng cơ hội mà thị trường EU mang lại và tăng cường khả năng cải thiện chất lượng điều hành của Nhà nước về mặt kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Trần Toàn Thắng - Phó Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết thực tế, Luật Cạnh tranh của Việt Nam hiệu lực rất kém và hiện nay có nhu cầu cấp thiết phải sửa đổi, có xuất hiện hành vi phản cạnh tranh, hoàn toàn khác biệt so với những thỏa thuận FTA, không chỉ FTA với EU nói trên.
Theo ông Thắng, Luật Cạnh tranh Việt Nam đã được ban hành từ năm 2005, nhưng không có nhiều hiệu quả. Đã xuất hiện một số hành vi phản cạnh tranh của chính quyền địa phương, ví dụ như việc chính quyền Hà Tĩnh yêu cầu các cửa hàng cam kết bán bia Sài Gòn.
Bình luận về môi trường kinh doanh hiện nay, Đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam lại cho rằng, hiện nay chỉ số minh bạch chưa cao, liệu Chính phủ có lộ trình gì để DN nước ngoài và DN Việt Nam có sự minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trước tình trạng phí bôi trơn ngày càng nhức nhối, ăn mòn lợi nhuận của DN, vị đại diện này cho biết: “Chống tham nhũng luôn luôn là chính sách hàng đầu của Chính phủ. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của TPP đồng ý đưa điều kiện về chống tham nhũng vào trong hiệp định. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đã thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, nhưng cũng đòi hỏi cả nỗ lực từ phía DN. Nếu chúng ta sẵn sàng có tâm thế chống lại tham nhũng, nếu bên cung ngày càng hạn chế, thì bên cầu cũng sẽ giảm”.
![]() |
Để thành công trong hội nhập, rất cần sự sẵn sàng của DN
Doanh nghiệp đã sẵn sàng?
Mở rộng ra xung quanh quan ngại việc Việt Nam đã và đang tham gia quá nhiều FTA song tận dụng được lợi ích thì rất hạn chế, ông Khánh khẳng định: “Tham gia nhiều FTA, Việt Nam không chỉ muốn gia tăng xuất khẩu cơ học, mà về lâu dài, FTA giúp kinh tế Việt Nam giảm bớt các rủi ro”.
Ông Khánh nói: “Hiện, 60% kim ngạch XNK của Việt Nam phụ thuộc các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, trong đó, NK đang là trên 70%, đặc biệt NK từ Trung Quốc đang không ngừng tăng về cả lượng và giá trị”.
Vì vậy, theo ông Khánh, sự phụ thuộc thương mại và NK như vậy sẽ khó cho Việt Nam cải cách thương mại và đổi mới công nghệ. Nếu các nền kinh tế như Trung Quốc có vấn đề gì thì Việt Nam sẽ chịu tác động ghê gớm. Ví dụ năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á đã tác động nặng nề đến nền kinh tế Thái Lan, đây là bài học cho Việt Nam”.
Và để thành công trong hội nhập, tận dụng được những cơ hội nhằm đẩy mạnh XK rất cần sự sẵn sàng của DN. Các chuyên gia cho rằng các DN Việt Nam thông thạo thị trường Việt Nam hơn, tuy nhiên về chất lượng sản phẩm lại rất yếu, trong khi sự chủ động của DN chưa như chúng ta mong đợi. Hầu hết các DN cho rằng sẽ có cải cách, nhưng không nhiều, liên quan trực tiếp đến tầm nhìn dài hạn của DN, dường như DN chưa có.
Vì vậy, Thứ trưởng Khánh cho rằng DN không những phải biết đến hiệp định FTA, mà còn phải hiểu nó, từ đó mới có tầm nhìn dài hạn để tận dụng cơ hội từ hội nhập đem đến.
Đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng cho rằng, để DN Việt nắm rõ nội dung hiệp định, Chính phủ cần giải thích cho DN vì sao ký kết hiệp định, hiệp định có thể làm gì, không thể làm gì, đơn giản hóa những quy định thủ tục để kinh doanh…
Lê Thúy