Từ ngày 14 đến 20-1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tăng cường hợp tác, thúc đẩy nông sản giữa hai nước.
Trao đổi với báo chí thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, khi làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hai bên đã thống nhất hoàn chỉnh bổ sung một số nội dung để ký 3 nghị định: xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên; xuất khẩu cá sấu nuôi; xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Đối với sản phẩm rau củ quả, phía nước bạn đồng ý mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam. Tới đây sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục, xem xét mở cửa thị trường cho trái bơ, chanh leo Việt Nam.
Hay như với sản phẩm chăn nuôi, phía Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu gia cầm vào thị trường này.
“Đây là tin vui với người nông dân trồng bơ, chanh leo và người chăn nuôi gia cầm ở nước ta”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. Bởi theo ông, ở nước ta bơ và chanh leo có vùng trồng lớn, mở cửa được thị trường xuất khẩu chính sạch sẽ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định hơn.
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu trái bơ, chanh leo của Việt Nam. |
Tương tự, nước ta có tổng đàn gia cầm gần 559 triệu con. Tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt gần 2,31 triệu tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 19,22 tỷ quả. Hiện ngành chăn nuôi đã xây dựng được những vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc luôn là thị lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu.
Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư.
Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số Nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022. Riêng với mặt hàng sầu riêng, Trung Quốc thu mua tới 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó giá trị xuất khẩu đã tăng vọt từ 188,1 triệu USD vào năm 2022 lên 2,1 tỷ USD trong năm 2023.
Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Dù Trung Quốc đã và sắp ký thêm Nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt, nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật… Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho hàng Việt.
“Tuy nhiên, phía bạn cảnh báo, nếu ngành sầu riêng của chúng ta không chú trọng vào chất lượng hàng hóa và mẫu mã sẽ đánh mất tiềm năng. Vì sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Do đó, những hộ nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam nhận định, năm 2023 mới là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ đón được mở cửa.
Ông Tiến cho hay, cơ hội xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng khi mới đây, Bộ NN&PTNT (Việt Nam) và Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư là bước thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống này của Việt Nam. Để rau quả Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào các thị trường, cần hoàn thiện khâu quản lý DN, quy trình sản xuất, phối hợp trong chuỗi liên kết… những ngành hàng đã rút ra được các bài học và năm sau có thể có thể chiếm lĩnh thị trường.
Để tạo đà cho DN nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rất cần sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người sản xuất, DN nâng cao chất lượng sản xuất rau quả thông qua thực hành nông nghiệp GAP, nông nghiệp tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là dư lượng hoá chất trong sản phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Nguyễn Hạnh