“Chính vì vậy, chưa có cơ sở khẳng định sự thiếu hụt về nguồn cung. Do đó, việc tạm ngừng xuất khẩu phân bón ngay là chưa đủ cơ sở, các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp, hiệp hội cần có đánh giá cụ thể”, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết.
Với năng lực sản xuất trong nước và nhập khẩu, nguồn cung phân bón đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khoảng 11 tấn/năm (Ảnh: Int) |
Số liệu thống kê cho thấy, năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước là trên 8 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn. Theo đó, Việt Nam cơ bản tự chủ được mặt hàng phân Urê, lân và NPK, đáp ứng khoảng 86% nhu cầu DAP và MAP, chỉ nhập khẩu phân SA và kali do trong nước không có nguồn nguyên liệu.
Trong 6 tháng năm 2021, các nhà máy đẩy mạnh công suất, nên sản lượng đạt 4,33 triệu tấn phân bón vô cơ các loại. Nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng, lượng tồn kho thấp nhưng vẫn chưa phát huy 100% công suất thiết kế.
Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu ước khoảng 2,3 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 667.000 tấn phân bón các loại, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Hóa chất, giá phân bón phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố bên ngoài như thị trường giá nông sản tăng liên tục khiến nhu cầu tăng cao, giá bán nguyên liệu như lưu huỳnh và amoniac, giá dầu, giá cước vận chuyển tăng..., chứ không phải do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Đáng chú ý, do đang cuối vụ lúa Hè Thu, nhu cầu phân bón sẽ giảm, nguồn cung vẫn được đảm bảo từ sản xuất và nhập khẩu, nên dự báo giá phân bón có thể có xu hướng chững lại và giảm dần.
Về việc nhiều ý kiến cho rằng xuất hiện tình trạng thiếu phân Urê, Cục Hóa chất cho biết, năng lực sản xuất phân Urê trong nước đạt 2,66 triệu tấn/năm, tiêu thụ khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất Urê hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu từ 500.000 - 660.000 tấn/năm.
P.L