Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, đánh giá hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu.
Bất cập khâu công nhận, khảo nghiệm giống
Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Hiện, "Việt Nam phải nhập trên dưới 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía Bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới”, ông Định nhấn mạnh.
![]() |
Việt Nam phải nhập trên dưới 90% hạt giống rau, hoa với giá trị vài chục triệu USD. |
Ông Định cũng đưa ra so sánh số lượng lượt giống cây trồng nông nghiệp tham gia khảo nghiệm Quốc gia (chủ yếu nhóm cây lương thực là lúa và ngô) trước và sau khi Luật 31 có hiệu lực, số giống gửi khảo nghiệm giảm nhanh so với trước Luật.
Nếu năm 2018 và 2019, lượt giống tham gia khảo nghiệm VCU (quá trình đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống mới) tới 684 lượt giống lúa (lúa thuần+lúa lai) và 310 lượt giống ngô (ngô tẻ+ngô nếp, ngô đường), khảo nghiệm DUS (quá trình đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng mới) tổng số 140 lượt giống lúa, 31 với ngô; năm 2019 khi Luật đã ban hành nhưng chưa hiệu lực và chưa có TCVN, số lượt giống khảo nghiệm đã giảm nhẹ còn tổng 560 với lúa và 207 với ngô và DUS còn 142 với lúa và 25 với ngô. Khảo nghiệm DUS giảm từ 140 lượt xuống còn 117 lượt với lúa, và 31 với ngô.
Năm 2021 và 2022, số lượt giống lúa khảo nghiệm VCU giảm nhanh, chỉ còn tương ứng là 243 và 205 giống lúa, khảo nghiệm DUS giảm trầm trọng vào năm 2021, chỉ còn 41 lượt giống lúa và 38 lượt giống ngô. Năm 2023, khi Luật Trồng trọt có hiệu lực đầy đủ, số giống khảo nghiệm với lúa cũng chỉ được 223 và ngô là 176.
Nguyên nhân của việc số giống gửi khảo nghiệm tụt giảm do Luật còn nhiều bất cập, Nghị định và văn bản hướng dẫn không chi tiết, minh bạch, chung chung và từ ngữ dễ gây hiểu lầm; Tiêu chuẩn quốc gia xây dựng chậm và khó khả thi, mặc dù ban hành và có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp, các viện và các nhà khoa học chọn tạo thấy khó có thể thực hiện được.
Ngoài ra, chi phí khảo nghiệm giống tăng, số điểm khảo nghiệm cho vùng sinh thái quy định không hợp lý và các yếu tố xã hội khác như dịch bệnh, chất lượng khảo nghiệm, số liệu đánh giá giống… khiến các nhà khoa học, cơ quan tác giả, doanh nghiệp làm công tác chọn tạo “nản” không muốn gửi giống để đấu loại vì rủi ro cao, khó đáp ứng để lưu hành và sản xuất kinh doanh.
Việc chậm trễ trong chỉ định đơn vị đủ tiêu chuẩn thực hiện khảo nghiệm VCU và DUS cũng một thời khiến các doanh nghiệp và tác giả băn khoăn, lo lắng khi mà luật đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa chỉ định được đơn vị khảo nghiệm.
Bắt đầu từ 01/1/2020 các hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, công nhận lưu hành, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp tuân thủ quy định tại Luật Trồng trọt số 31 có hiệu lực và Nghị định 94/2019/NĐ-CP.
Nếu tính từ 2020 đến tháng 11/2023 sau khi Luật có hiệu lực chỉ có 12 giống lúa mới, 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới. So với nhu cầu thực tế số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít, điều này làm giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân và hạn chế các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào sản xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) kiến nghị cần làm rõ thêm các quy định, thủ tục về cây ăn quả. Sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam đã và đang là trụ cột quan trọng trong nền nông nghiệp, với sự gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng. Năm 2022, tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 1.221,4 nghìn ha, với sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Dự kiến cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 5 tỷ USD”.
Tuy có hệ thống cơ cấu chủng loại đa dạng, gồm khoảng 50 loại cây, ngành cây ăn quả đối mặt với nhiều thách thức lớn. “Cơ cấu giống chủ lực chủ yếu là cây địa phương, nhưng chỉ có 32 giống được công nhận từ năm 2008-2019. Mặc dù đã có sự tăng cường với 120 giống từ 2020-2022, nhưng nhìn chung, số lượng giống được công nhận còn rất ít”, ông Nguyễn Quốc Mạnh lưu ý.
Đối mặt với những khó khăn này, ông Mạnh đề xuất, các nhân tố trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả cần hợp tác chặt chẽ, nâng cao năng lực quản lý, và đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển giống cây ăn quả để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, và tăng cường hiệu suất sản xuất trong lĩnh vực này.
Mua giống trôi nổi trên mạng, nông dân dễ ‘trắng tay’
Bên cạnh đó, xu hướng kinh doanh giống cây trồng trên mạng là tất yếu nhưng có thể dẫn tới nhiều hậu quả, hệ luỵ. Theo đó, một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân.
![]() |
Giống cây trồng được rao bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử. |
Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân.
Theo ông Định, sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật. Tuy nhiên, hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), cho rằng việc chưa có cơ chế quản lý giống trôi nổi có thể khiến nông dân hụt kỳ vọng. Năng suất bị ảnh hưởng, có thể kéo theo mất mùa.
Hiện nay, tình trạng một số đối tượng lấy hình ảnh nhận diện của các doanh nghiệp để gắn vào sản phẩm của mình và lừa đảo bán giống trên các nền tảng thương mại điện tử. “Nếu không có phản ứng kịp thời, giống cây trồng nhái sẽ tràn lan. Trong khi người nông dân trình độ hiểu biết về sản phẩm chưa được rõ ràng, nếu không nắm tốt sẽ dẫn đến thiệt thòi”, ông Sáu nói.
Theo đại diện Vinaseed, các doanh nghiệp sản xuất giống thường có chính sách bảo hành chất lượng sản phẩm khi trồng trọt, ví dụ nếu 3-6 tháng sau, chất lượng thu hoạch của giống lúa không đảm bảo thì doanh nghiệp sẽ bồi hoàn tiền. Tuy nhiên, nếu mua qua mạng, nông dân gặp phải giống kém chất lượng, dẫn tới mất mùa thì có thể “mất trắng” cả vụ, lúa hạt lép cũng không được ai bồi hoàn tiền. Đây không phải là câu chuyện nông dân mất vài chục nghìn khi mua phải giống dởm mà có thể mất trắng cả vụ, thiệt hại cực kỳ lớn.
Phía đại diện Vinaseed kiến nghị, cơ quan quản lý nhành chóng có chính sách, chế tài đối với hoạt động kinh doanh giống qua mạng.
Thy Lê