Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) chiều 2/8, Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 79.284 vụ; phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng.
Tràn lan hàng giả, hàng nhái
Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng.
Trong khi đó, các chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là cá nhân (học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường), các trang mạng, website thương mại thường sử dụng các hình ảnh có thể là ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ: đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép… Cá biệt có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.
Mặt khác, các giao dịch thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Đại diện Chi cục QLTT Lạng Sơn cho biết, tình hình nhập hàng lậu, hàng giả qua biên giới vẫn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, tăng giảm tùy theo thời vụ, nhu cầu tiêu thụ. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là nhóm hàng hóa quần áo, túi xách, giày dép giả các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Louis Vuiton, Gucci…
Nhóm mặt hàng mỹ phẩm có hàng giả các nhãn hiệu của tập đoàn Unilever như bột giặt Omo, dầu gội đầu Dove, Clear… Nhóm mặt hàng thực phẩm là hạt nêm Knorr, bột canh Hải Châu… Nhóm mặt hàng điện gia dụng có sản phẩm giả nhãn hiệu Samsung, Panasonic…
Đặc biệt, hiện nay có một số đối tượng sử dụng các ứng dụng khoa học công nghệ như Facebook, Zalo, Youtube… để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đặt in, dán nhãn phụ tiếng Việt vào hàng hóa ngay từ bên kia biên giới để nhập lậu.
Thậm chí, đối với nhóm hàng may mặc sẵn và một số mặt hàng tiêu dùng khác thì nhập lậu nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa và hàng hóa tách rời nhau để đối phó với lực lượng chức năng kiểm tra trên đường vận chuyển cho đến khi đưa ra tiêu thụ mới đính, dán, gắn các nhãn hiệu giả maọ để lừa dối người tiêu dùng.
Lãnh đạo Cục QLTT khẳng định, vụ khăn lụa Khaisilk, phân bón Thuận Phong vẫn đang được điều tra chứ không có chuyện để "chìm xuồng" |
Không để "chìm xuồng"
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái trên, ông Ngọc thừa nhận, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức QLTT chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý.
Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung.
Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT: "Cái gì cũng bị làm giả là do đâu đó còn hiện tượng buông lỏng để hàng giả công khai, ngang nhiên thách thức dư luận. Kinh doanh hàng giả, hàng nhái là đe dọa sức khỏe của người dân phải phải xử lý hình sự, khởi tố trước pháp luật, chứ không chỉ xử phạt hành chính rồi cho qua".
Ông Hùng dẫn lại vụ Vinaca chỉ bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng là không thể chấp nhận. "Ngay sau đó, chúng tôi xuống phối hợp với Công an Hải Phòng và khởi tố vụ án trong 10 ngày. Điều đó cho thấy con người và ý thức trách nhiệm là cái gốc vấn đề", ông Hùng nói.
Vì vậy, ông Hùng cho rằng muốn chống hàng giả, điều kiện tiên quyết là "người thật", chứ "người giả" thì không thể chống. Phải tìm nhiều "người thật" chống hàng giả và phải là người có người tâm, có tầm, có trách nhiệm, ý thức kiên quyết đấu tranh với tội phạm.
Đồng thời, kiên quyết không để chuyện "chìm xuồng" như trước đây dư luận vẫn nói với các vụ việc như khăn lụa Khaisilk, phân bón Thuận Phong hiện nay vẫn đang được điều tra.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, yêu cầu cơ quan QLTT nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm, tránh tình trạng tiếp tay để rồi "con sâu làm rầu nồi canh", làm ảnh hưởng tới uy tín của lực lượng QLTT.
Thy Lê