Chè thập cẩm đã len lỏi vào đời sống của nhiều gia đình, trở thành món quà vặt được nhiều người, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên yêu thích. Những cốc chè với nhiều thành phần, màu sắc bắt mắt, hương thơm hấp dẫn với phong phú vị của đậu đỏ, đậu đen, nước cốt dừa, đậu phộng, dừa khô, dầu chuối, va ni, ngô, khoai môn, thạch, trân châu… Bình quân mỗi cốc chè thập cẩm được bán với giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng.
Ngon mát rẻ, có an toàn?
Trời càng nắng nóng, các quán chè càng tấp nập khách vào ra. Mặc dù ngon, rẻ, mát, nhưng liệu chất lượng những cốc chè thực khách mua về có bảo đảm ATTP hay không là điều rất đáng bàn, bởi tính “3 không” của nó.
Trước hết về nguyên liệu, các loại đỗ, ngô, thạch, trân châu, dầu chuối, nước cốt dừa… đều được đa số các chủ cửa hàng mua ở các chợ, mà các nguyên liệu này phần lớn đều được bán theo kg. Những loại đỗ, dừa khô, trân châu… được người bán hàng vô tư bày bán theo từng bao tải, không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất và đương nhiên không có hạn sử dụng.
Chị Hồng - một tiểu thương bán các loại hạt đỗ tại một chợ cóc, cho biết: “Chúng tôi nhập không nhiều lấy đâu ra bao bì nhãn mác. Hơn nữa, hàng hết chúng tôi mới lấy tiếp, nếu hỏng thì biết ngay, ngửi mùi hôi và mốc là không ăn được. Quan sát là đủ biết hàng dùng được hay không rồi cần gì câu nệ về hạn sử dụng(!)”.
![]() |
Chè thập cẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe
Một thành phần ít khi thiếu trong những cốc chè thập cẩm là thạch đen. Đây là loại nguyên liệu được bày bán nhiều ở các chợ lớn nhỏ. Thạch được bán dưới dạng miếng, được đổ khuôn hình cái xô, mỗi miếng thạch to nặng khoảng chục kg, được che đậy hết sức sơ sài. Giá mỗi kg thạch khoảng 50.000 đồng. Khi được hỏi thạch được làm từ đâu, quy trình thế nào thì hầu hết người bán hàng không trả lời được.
Chị Thu - một tiểu thương bán thạch, chia sẻ: “Bao nhiêu năm bán thạch chẳng ai ăn bị chết cả. Hàng nhập của người chuyên đi giao khắp các chợ lớn nhỏ. Mỗi ngày bán khoảng chục cân chứ có nhiều đâu, miễn là thạch tươi không bị thối là được, bao nhiêu người ăn có sao đâu mà phải quan tâm người ta làm thế nào(!)”.
Cẩn trọng kẻo ngộ độc
Thành phần không thể thiếu trong các nồi chè chính là đường kính. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít người mua đường hóa học phục vụ công việc chế biến. Tiết lộ của một người chủ cửa hàng cho biết, đường kính giờ đắt, nấu một nồi chè cho vào bao nhiêu cho đủ. Giờ chỉ cần có 40.000 đồng có thể mua ngay được gói đường siêu ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc.
Loại đường này được bán ở nhiều nơi, nhưng dễ mua nhất vẫn là ở chợ Đồng Xuân. Độ ngọt của loại đường này cao hơn rất nhiều lần so với đường kính, ngoài ra nó còn có mùi thơm đặc biệt. Nếu như mỗi nồi chè phải cho vài lạng đường kính trắng vào mới đủ độ ngọt, thì với loại đường siêu ngọt, chỉ cần cho nửa thìa là ngọt lừ.
Và còn rất nhiều hương liệu, nguyên liệu làm nên những cốc chè ngọt mát “3 không”: không rõ nguồn gốc, không hạn sử dụng, không nhãn mác… NTD nếu ăn phải những loại chè được nấu từ những nguyên liệu này có thể bị ngộ độc trực tiếp, sẽ hoa mắt, chóng mặt, có thể ói mửa… Nguy hiểm hơn cả, là “sát thủ thầm lặng” - ngộ độc trường diễn, do những loại thực phẩm kém an toàn mang lại. Những chất độc hại sẽ ngấm từ từ về lâu dài, gây ra nhiều căn bệnh cho cơ thể.
Thành phần đá trong mỗi cốc chè cũng là điều đáng lưu tâm. Ngoài một số ít cơ sở mua đá viên đóng túi có tên, địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng, không ít nơi đã chọn mua đá cây để phục vụ thượng khách. Cảnh những chiếc xe máy chở những cây đá vừa đi vừa hút bụi đường, nước đá chảy tong tỏng không hiếm gặp trên đường phố Hà Nội. Không lấy gì có thể bảo đảm đấy là đá sạch, khi thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, hiện nay, trên toàn thành phố có vài trăm cơ sở sản xuất nước đá, nhưng chỉ có rất ít cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ các điều kiện bảo đảm ATTP.
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, cho biết qua công tác kiểm soát tại nơi sản xuất, từ đầu mùa hè đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt không ít cơ sở sản xuất nước đá không bảo đảm ATVSTP.
Bác sĩ Chu Thanh Hương - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo: Nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý, sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nước đá bẩn dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết.
Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá “bẩn” nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa, nguồn nước sản xuất nước đá chưa xử lý còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất như: thủy ngân, chì, asen, kẽm... là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Thu Hường