Dẫn chứng từ một báo cáo của Liên hợp quốc về triển vọng đô thị hóa thế giới đến năm 2025, ông Carson Blake Roper, chuyên gia thị trường EU, cho biết hầu hết các thành phố lớn có dân số đông đều tập trung ở khu vực châu Á. Nơi đây cũng có dân số ở tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất trong thời gian tới. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ về các sản phẩm có hàm lượng protein, nhất là tôm, cá... sẽ nhiều hơn.
Không những vậy, khu vực này cũng tập trung các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - động lực để thương mại của khu vực phát triển trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho rằng trong những năm tới, mức độ tiêu thụ tôm ở khu vực châu Á sẽ tăng mạnh. Nhu cầu tiêu thụ tôm ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang có dấu hiệu gia tăng.
Điều này được dẫn chứng cụ thể qua số liệu thống kê của VASEP khi xuất khẩu tôm của Việt Nam vào các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN... có sự tăng trưởng đáng kể.
Trong 7 tháng năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng khá ấn tượng, gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản cũng tăng đến 35,2% so với cùng kỳ; Hàn Quốc tăng 27,4%...
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu của thị trường, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam cần xây dựng chiến lược cụ thể cho từng thị trường, trong đó, đặc biệt quan tâm đến thị hiếu, thói quen ăn uống của người tiêu dùng để đưa ra chiến lược tiếp cận hiệu quả.
Theo ông Carson Blake Roper, để khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần xem xét việc xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống bảo quản lạnh ở khu vực châu Á. Nếu không có cơ sở hạ tầng ở đây thì doanh nghiệp Việt rất khó cạnh tranh với các đối thủ, đồng thời hiệu quả bán hàng cũng sẽ rất thấp./.
Vũ Trọng