Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá (CBPG) với một số nhà sản xuất, xuất khẩu (XK) của Trung Quốc là 17,94% và 31,85%; Malaysia là 11,09% và 22,69%; Indonesia là 10,91% và 25,06%; các công ty thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan là 37,29%. Thời gian có hiệu lực của biện pháp CBPG bắt đầu từ ngày 26/10/2019.
Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế CBPG áp dụng cho nhà XK mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất/XK nước ngoài.
“Hàng rào” bảo hộ cần thiết
Lý giải nguyên nhân tiếp tục có biện pháp mạnh tay với sản phẩm thép không gỉ cán nguội, Bộ Công Thương cho biết sau 5 năm áp dụng (kể từ tháng 10/2014), ngành sản xuất trong nước đã dần khắc phục được thiệt hại trước đó nhưng mức tăng trưởng chưa ổn định, có chiều hướng chững hoặc suy giảm nhẹ.
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn rà soát cuối kỳ (2018-2019), tốc độ tăng trưởng chỉ tăng 1%, giảm mạnh so với thời điểm sau khi áp thuế. Cũng trong giai đoạn này, tổng lượng bán hàng trong nước của ngành sản xuất trong nước giảm 5% và tổng lượng bán hàng của ngành sản xuất trong nước giảm 1% so với giai đoạn trước đó.
Về thị phần của ngành sản xuất trong nước, sau khi áp dụng biện pháp CBPG chính thức có tăng trưởng nhưng đến giai đoạn rà soát cuối kỳ giảm, giữ ở mức 42,8% trong khi thị phần hàng nhập khẩu (NK) là 57,2%.
Tương tự, doanh thu của ngành sản xuất trong nước cũng chỉ tích cực giai đoạn đầu, sau đó là chững lại, đến giai đoạn rà soát tốc độ tăng trưởng chỉ còn gần 4,7%; lợi nhuận thậm chí còn ở mức rất thấp 0,64%.
Những điều này cho thấy “vẫn còn tồn tại hành vi bán phá giá của các DN nước ngoài”. Bộ Công Thương cho rằng tình trạng bán phá giá của các DN nước ngoài sẽ tái diễn và ngành sản xuất trong nước có thể bị thiệt hại đáng kể (hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể) nếu chấm dứt biện pháp áp thuế.
Ngoài ra, có mối quan hệ nhân quả giữa việc ngành sản xuất trong nước có thể bị thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa bị thiệt hại đáng kể với việc tiếp tục, tái diễn hành vi bán phá giá của hàng hóa NK.
Trước đó, đã có nhiều nhận định nếu biện pháp CBPG của các DN nước ngoài không được gia hạn thì thành quả đạt được của ngành sản xuất trong nước sẽ biến mất. Loại bỏ “hàng rào” bảo hộ có thể khiến Việt Nam trở thành nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Nguyên nhân là bởi sản lượng dư thừa từ các nước trên thế giới sẽ đổ bộ ồ ạt về Việt Nam, làm cho các đơn vị sản xuất nội địa sẽ phải mất đi thị phần trong nước và chỉ có thể tồn tại dựa vào việc XK. Tuy nhiên, khi XK lại vướng giải pháp phòng vệ thương mại tại các nước, khiến thép Việt không còn chỗ đứng.
Biện pháp CBPG để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước |
Liệu có độc quyền?
Để tạo nên một môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sản xuất và tiêu dùng thép inox, việc xây dựng “hàng rào” bảo hộ để ngăn chặn hàng hóa NK kém chất lượng thâm nhập là việc cần thiết.
Tuy nhiên, trong kỳ áp chống thuế CBPG trước đó (2014-2019) đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng cả về giá và chất lượng.
Theo các nhà NK thép, giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đã tăng 15- 25% kéo giá thành sản phẩm tăng theo tạo điều kiện cho một vài công ty tăng thị phần và dần chiếm thế độc quyền gây nhiều quan ngại trong cộng đồng DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực thép không gỉ cán nguội.
Ngoài ra, lãnh đạo một DN sản xuất thang máy cho rằng công ty phải chịu bất lợi kép khi thép không gỉ chiếm 10% giá thành chi phí đầu vào của DN. Việc áp thuế CBPG khiến công ty thiệt hại hàng tỷ đồng/năm.
Điều đáng nói là chi phí sản xuất tăng lên đáng kể trong bối cảnh các DN Việt Nam đang nỗ lực tiết giảm chi phí để cạnh tranh với các hãng ngoại.
Tuy nhiên, những cáo buộc đó đã bị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phủ nhận, cho rằng không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một DN sản xuất nào đó độc quyền về nhóm sản phẩm này.
Bộ Công Thương cũng khẳng định sau khi biện pháp CBPG được áp dụng đến nay, thép không gỉ cán nguội vẫn tiếp tục được NK từ 4 nước/vùng lãnh thổ bị áp thuế cũng như từ các nước khác. Theo đó, người sử dụng thép tại Việt Nam có nhiều sự lựa chọn khác nhau ngoài nguồn trước đây.
Vân Linh