Chia sẻ tại toạ đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp", nhiều ý kiến cho rằng, giá điện cần được tính đúng, tính đủ và lộ trình tăng giá cần ít tác động nhất đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất điện hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ và mang màu sắc "bao cấp", bù trừ. Sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện phục vụ các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện còn có sự méo mó, chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. Thực tế, giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất và so với các nước trong khu vực và thế giới.
Trong sự tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, giá điện bán ra của nước ta thấp hơn nhiều và vẫn đang trên lộ trình "tính đúng, tính đủ giá điện" để bảo đảm ngành điện phát triển bền vững. Do vậy, việc thực hiện lộ trình tăng giá điện sẽ tạo điều kiện phát triển bền vững ngành điện nói riêng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.
Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất điện hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ và mang màu sắc "bao cấp", bù trừ. |
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, nếu bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối, đó là một bất cập.
Theo ông Hiếu, đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện. Nếu giá bán điện thấp hơn giá sản xuất hoặc nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối, như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối. Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình chung cái lợi đó lại trở thành thiệt hại của người khác.
Nhà phân phối nỗ lực nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp. “Do đó, về lâu dài, câu chuyện này cần giải quyết một cách triệt để”, ông Hiếu nêu.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cũng cho rằng, hiện nay, theo số liệu kiểm tra của liên Bộ, liên ngành năm 2023, giá thành điện cao hơn giá bán bình quân khoảng 6,7%. Giá đầu vào của giá thành điện trong những năm vừa qua như giá than trên thế giới tăng rất cao, năm vừa qua nắng nóng, nắng hạn nhiều nên sản lượng điện từ thủy điện giảm đi, chỉ còn 30%... Do đó, phải chạy các điện nền như điện than, điện dầu, điện khí mà giá thành rất cao nên làm cho giá điện cao.
"Chưa kể, chúng ta vẫn phải mua một sản lượng điện nhất định, trong khi đó tỷ giá lại tăng cao hơn những năm trước. Tất cả những yếu tố đó làm cho giá thành điện tăng lên 2.088 đồng/kwh, trong khi, giá bán chỉ có 1.955 đồng/kwh nên gây lỗ cho sản xuất kinh doanh điện", ông Thỏa phân tích.
Do đó, ông Thoả cho rằng điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.
Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện. Việc tính đúng, tính đủ thì không phải EVN tính bao nhiêu cũng được mà có cơ chế, quy định của Nhà nước. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện.
“Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện, và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì sẽ bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn” - ông Thoả nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, để làm được những việc này, trước hết phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện.
Cũng có nhiều ý kiến về việc nguồn điện năng lượng tái tạo rẻ, tuy nhiên rẻ ở đây là chúng ta đang mua mà chưa tính đến những yếu tố vận hành, mới chỉ đơn thuần là phát điện và mức giá rẻ hơn so với điện than, điện khí. Song, theo ông Sơn nguồn điện gió, điện mặt trời có những yếu tố thách thức rất lớn về việc mất ổn định, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, biến động bất thường.
"Nếu tiếp tục không có cải cách giá điện thì EVN chắc chắn sẽ lỗ và uy tín tài chính để vay vốn sẽ bị xếp hạng thấp. Do đó cực kỳ khó khăn trong thu xếp vốn và khó có được lãi suất ưu đãi, mà phải trả lãi cao do rủi ro cao. Hơn nữa, với mức giá điện hiện nay thì không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và cũng gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn", ông Sơn nói.
Từ phía Bộ Công thương, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu, cũng nhìn nhận việc giá bán điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện đã khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 05 về "Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân". Trong đó quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện tiệm cận với sự thay đổi có yếu tố đầu vào, phản ánh sát với biến động chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó sửa đổi căn bản Luật Điện lực hiện hành, có nhiều cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành điện.
Hồng Hương