Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ghi nhận việc 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi, song ông cũng cho rằng cần phải cắt giảm khâu trung gian phân phối bán lẻ thì giá lợn hơi mới có thể giảm về mức lý tưởng 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội |
Là chuyên gia nghiên cứu giá cả lâu năm, ông thể cho biết tại sao những tháng gần đây, giá thịt lợn luôn neo ở mức cao?
- Rõ ràng giá thịt lợn cao là không thể chấp nhận. Từ tháng 2 đến giờ, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các doanh nghiệp giảm giá bán rất nhiều lần, kết quả có doanh nghiệp giảm giá cầm chừng, có doanh nghiệp không xuống giá. Điều đó dẫn tới tình trạng giá chỉ giảm một vài ngày, sau đó bật tăng mạnh về mốc cũ.
Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn, theo phản ánh bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận rất cao nên khó chấp nhận.
Lần này, 15 doanh nghiệp lớn đã cùng cam kết báo giá lợn về mức 70.000 đồng/kg là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, để giảm giá thành thịt lợn thì cần có cuộc cách mạng ở khâu giết mổ, phân phối bán lẻ.
Từ trước đến nay, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thiết lập được theo mô hình liên kết tam giác (tức là từ trang trại - lò giết mổ - bán lẻ). Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá, họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.
Cần phải nhắc lại rằng trong thời kỳ giá lợn bị sa sút, xuống 22.000 – 25.000 đồng/kg hơi thì ngành chăn nuôi lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Nay, giá lợn hơi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi một cách vô lý thì họ có giải cứu người tiêu dùng hay không?
Chưa kể, lâu nay chúng ta vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40-60%, bao gồm thương lái công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10-15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20-30%.
Tôi xin nhấn mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn là tốt nhưng cần phải tổ chức tốt hệ thống phân phối, giảm xuống 70.000 đồng/kg nhưng cộng thêm 40-50% chi phí khâu trung gian, chắc chắn giá thịt lợn sẽ không giảm như mong đợi.
Trong cuộc họp mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương cần phải giám sát khâu trung gian, tuy nhiên Bộ Công Thương cũng đề nghị lại Bộ NN&PTNT giám sát khâu giết mổ - quy định giá thịt lợn tại lò mổ là bao nhiêu, vấn đề này có mâu thuẫn không, thưa ông?
- Vấn đề ở khâu giết mổ là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Song để giảm giá thịt lợn thì hai Bộ này cần phải kết nối, phối hợp với nhau. Bộ NN&PTNT giám sát khâu giết mổ, Bộ Công Thương giám sát khâu phân phối bán lẻ. Từ đó mới thiết lập được cầu: từ trang trại đến khâu giết mổ, bán lẻ, bớt khâu thương lái, bán buôn.
Riêng ở khâu giết mổ, Nhà nước có thể bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng các cơ sở giết mổ hiện đại, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp, điều này vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như bớt được khâu trung gian, có thể liên kết từ đơn vị chăn nuôi - giết mổ - bán lẻ.
Để giải quyết vấn đề giá thịt lợn, Nhà nước đã lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt, hiện hơn 1.500 tấn đã cập cảng Việt Nam. Song, thịt nhập khẩu chưa chưa thể tiếp cận rộng rãi tới người tiêu dùng, cả về hạn chế phân phối cho tới thói quen. Vì sao vậy, thưa ông?
- Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam là thịt nóng, do vậy thịt lợn nhập khẩu có khả năng khó cạnh tranh hơn, muốn cạnh tranh được thì giá phải rẻ hơn trong nước từ 20-30%.
Hơn nữa, cơ quan chức năng vẫn nói là thịt nhập đã về Việt Nam nhưng người dùng cũng chưa dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thịt nhập khẩu, thậm chí không biết bán ở đâu. Vừa qua, tôi gọi điện cho một chủ siêu thị khá lớn ở Hà Nội nhưng ông ấy cũng bảo với tôi là siêu thị này chưa có bán thịt lợn nhập khẩu, không rõ thịt nhập khẩu này phân phối ở đâu.
Siêu thị đã khó như vậy thì thử hỏi làm sao thịt lợn nhập khẩu có thể bán được ở các chợ dân sinh. Chưa kể, nhiều tiểu thương ở chợ không mặn mà buôn bán thịt lợn nhập khẩu vì không có tủ đông.
Điều này cho thấy, cơ quan chức năng cần tổ chức kỹ thuật thương mại cho chặt chẽ, vừa quản lý được tức là quản lý dòng thịt lợn đi, đồng thời có sức đẩy với dòng thị trường thịt lợn trong nước. Thịt lợn nhập không phải vào quán ăn, quán cơm mà phải bán lẻ để người dân có thể lựa chọn.
Phải quyết tâm làm đến cùng, tìm mấu chốt ở những khâu làm đội giá thịt lợn trong chuỗi giá trị, từ đó mới giảm được giá thịt lợn.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia, ông có ý kiến gì về đề xuất này?
- Tôi đã nghiên cứu lưu thông mặt hàng nông nghiệp ở nhiều nước, nhìn các kho hàng dự trữ nông sản mà các nước cho gửi cho thấy rất có ý nghĩa. Hàng hóa lưu trong kho vừa được miễn giảm phí vừa đáp ứng nhu cầu khi thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu có yêu cầu. Tuy vậy, vấn đề dự trữ cũng cần tính đến phương án dự trữ bao nhiêu, luân chuyển hàng hóa thế nào để không thất thoát rơi vãi. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nên nghiên cứu điều này.
Về vấn đề đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá, tôi rất đồng tình, song để hiệu quả cũng cần tính toán kỹ càng.
Lê Thúy (thực hiện)