Mới đây, tại một hội nghị về xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu, ông Nguyễn Thy Sơn, cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết đến nay, Vietnam Airlines đã đăng ký thương hiệu ở 94 nước trên thế giới, không sợ bất cứ tranh chấp nhãn hiệu nào khi khai thác thị trường nước ngoài.
Có đơn thư 6 năm chưa được giải quyết
Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, ông Sơn lo ngại rằng việc xử lý vi phạm đang là vấn đề nan giải. Hiện nay, Vietnam Airlines chỉ tiến hành giải quyết xử lý vi phạm đối với đối tượng đăng ký bảo hộ gây nhầm lẫn, hoặc sử dụng trái phép thương hiệu Vietnam Airlines đăng ký.
Song đó là xử lý vi phạm thông qua cơ quan nhà nước – Cục Sở hữu trí tuệ là chính, trong khi DN này gặp phải rất nhiều vi phạm về danh tiếng nhãn hiệu, uy tín, ví dụ như hàng năm phát hiện hàng nghìn điểm bán vé không được cấp phép của Vietnam Airlines.
“Không phải người ta mang chữ Vietnam Airlines mà họ ăn theo danh tiếng của chúng tôi để sản xuất, hàng hoá dịch vụ có hình ảnh nhãn hiệu Vietnam Airlines nhằm trục lợi. Xuất hiện hàng nghìn điểm bán vé vi phạm lấy tên của chúng tôi để kinh doanh và lấy thêm phí dịch vụ. Khi vướng tranh chấp kiện cáo, khách hàng lại kiện Vietnam Airlines”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn khẳng định như vậy là DN đang bị các điểm bán vé trái phép lợi dụng hình ảnh, chất lượng của mình để làm hàng hoá dịch vụ của người ta. “Tôi biết chế tài của Việt Nam hiện nay về xử lý vi phạm có quy định trong luật, nhưng để xử lý lại liên quan tới ba cơ quan là chính quyền địa phương, cơ quan công an, quản lý thị trường. Đến nay, chúng tôi mới chỉ làm ở Cục Sở hữu trí tuệ, chứ ba cơ quan trên chúng tôi không làm việc được…”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, không phải riêng Vietnam Airlines, nhiều DN khác cũng đang mắc phải tình trạng này.
“Thậm chí ngay ở Cục Sở hữu trí tuệ, cho đến giờ, chúng tôi gửi đơn kêu cứu nhiều lắm. Có đơn đến 6 năm vẫn chưa được giải quyết – vượt qua nhiều quy định thời hạn giải quyết, có thể do Cục quá tải, nhưng phải chăng công tác hỗ trợ DN chưa thực sự tốt”, ông Sơn chia sẻ.
Trả lời những vướng mắc mà DN nêu ra, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận đúng là Cục Sở hũu trí tuệ quá tải, nhưng cũng có thể rơi vào các tình huống khác như có đơn của Vietnam Airlines rơi vào tình huống bị phản đối, hay công tác giải quyết còn lệ thuộc vào tiến độ của đơn thư trước.
![]() |
Vietnam Airlines lựa chọn tham gia các chương trình thương hiệu quốc tế để được bảo hộ tốt hơn
Vietnam Airlines “trần tình” lí do…
Tuy nhiên, trước phản ánh khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Vietnam Airlines thấp, ông Lâm lưu ý, quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu tài sản của DN, cá nhân DN phải tự bảo vệ quyền của mình. Nhà nước chỉ tạo ra khung pháp lý để xử lý, Nhà nước cũng đã có cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi có yêu cầu.
Bởi vậy, DN hay các chủ sở hữu khi nhận thấy hành vi xâm phạm phải biết gắng sức cùng cơ quan thực thi, nếu DN bỏ ngỏ, không quan tâm sẽ không đạt hiệu quả.
Ngoài ra, ý thức bảo vệ của DN phải xuất hiện ngay từ đầu, khi thành lập DN có tài sản trí tuệ đăng ký, cần theo dõi đối thủ cạnh tranh trên thị trường xem xét có đăng ký giống mình hay không, hoàn toàn có quyền lên tiếng đề nghị Cục không cấp giấy chứng nhận.
“Việc gìn giữ nó, bảo vệ nó là cực kỳ quan trọng vì người ta đang sử dụng sản phẩm dịch vụ tương tự không đúng lập tức danh tính sẽ bị suy giảm”, ông Lâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, liên quan tới Chương trình Thương hiệu quốc gia, dưới góc độ DN, ông Sơn cho rằng việc Chính phủ đã có dự án xây dựng thương hiệu Việt Nam là rất tốt.
Tuy nhiên, “với Vietnam Airlines, để thuyết phục tư vấn tham mưu lãnh đạo tham gia không dễ. Một năm chúng tôi nhận không biết bao nhiêu lời mời tham gia, đủ loại hình nhãn hiệu nổi tiếng, thương hiệu bền vững… trên thế giới.
Chúng tôi phải chọn thương hiệu nổi tiếng để tham gia vì nó là toàn cầu, khi có đối tượng vi phạm hình ảnh, nhãn hiệu Vietnam Airlines, chúng tôi được pháp luật bảo hộ tốt hơn, phạm vi bảo hộ rộng hơn”, ông Sơn trần tình lý do vì sao Vietnam Airlines không nộp hồ sơ tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia.
Ông Sơn đề xuất, khi Nhà nước đã có đề án chủ trương phát triển thương hiệu quốc gia, không nên đề nghị các DN đăng kí, thay vào đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nên thẩm định, xét soát DN đủ tiêu chuẩn. Thấy rằng DN nào ở Việt Nam đủ tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia thì đề nghị chỉ định luôn. Bởi vì hiện nay, nếu chờ DN tự đăng ký, sẽ có một số DN đủ tiêu chuẩn nhưng không đăng ký, dẫn tới bảng xếp hạng không chính xác.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ghi nhận những góp ý của DN nhưng đồng thời giải thích rằng Chương trình Thương hiệu quốc gia là chương trình miễn phí, không thu tiền DN tham gia.
“Tôi khẳng định nhiều DN hoàn thành đăng ký tham gia và đạt thương hiệu quốc gia, sau đó chính bản thân DN đã hưởng lợi rất nhiều từ điều này. Tôi tiếc khi một số DN lớn, dù mời nhưng cũng không tham gia”, ông Lang nói.
Thy Lê