![]() |
Trong một diễn biến mới nhất, Viettel đã mua lại 30% cổ phần của sàn giao dịch vận tải Gonow, chính thức gia nhập cuộc chơi thị trường gọi xe trực tuyến. Theo đó, Viettel sẽ hỗ trợ Gonow trong việc triển khai xây dựng website, phát triển hệ thống kênh bán hàng, hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến… cho Gonow.
Giống như Uber và Grab, Gonow cũng đóng vai trò trung gian, kết nối chủ xe với khách hàng có nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, khác với hai ứng dụng ngoại, Gonow nhắm vào dịch vụ thuê xe hợp đồng với các chuyến đi tour, di chuyển giữa các tỉnh thành, đưa đón chuyên gia…
Trước đó, một đại gia công nghệ khác là VNG cuối năm 2016 đã tung ra ứng dụng gọi xe 123Xe. Điểm khác Uber và Grab là 123Xe tập trung vào thị trường ngách, phục vụ hành khách với quãng đường từ 20-500km.
Cũng giống như 123Xe, một doanh nghiệp khác là Vietgo cũng “trình làng” ứng dụng công nghệ gọi xe tập trung vào thị trường ngách là chuyến xe di chuyển ra các địa điểm xa khỏi trung tâm thành phố. Vietgo thì tập trung vào nhóm khách hàng di chuyển giữa sân bay Nội Bài và trung tâm Hà Nội với giá 160.000 đồng/chuyến đi và 250.000 đồng/chuyến về. Hiện ứng dụng này đang mở rộng địa bàn phục vụ gọi xe đi các tỉnh và lên kế hoạch khai thác thị trường TP.HCM, tiến tới khai thác toàn bộ các thị trường có sân bay trên cả nước. Cũng tương tự như Uber và Grab, mỗi cuốc đi thành công, tài xế sẽ phải chia sẻ 20% số tiền thu về cho VietGo.
Mới đây nhất, cuối tháng 9/2017, Mai Linh Hà Nội đã ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ M.Bike cạnh tranh với uberMOTO và GrabBike. Trước đó, Mai Linh cũng đã cho ra đời trên AppStore và GooglePlay ứng dụng gọi xe của Mai Linh.
Còn Hãng taxi Thành Công cũng đã ra mắt ứng dụng đặt xe mới với tên gọi @ThanhCongApp. Đáng chú ý, đây là hãng đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ đặt xe trên nền tảng công nghệ Chatbot mới nhất của Facebook. @ThanhCongApp hiện được triển khai tại 5 tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Huế.
Ngoài ra, các hãng taxi khác như Taxi Group, Thế Kỷ Mới, Sao Thủ Đô, Vinasun… cũng đã cho ra mắt ứng dụng gọi xe, sử dụng kết hợp với tổng đài. Các ứng dụng gọi xe mới này khá hiện đại, có giao diện tương đối giống với Uber, Grab. Có hỗ trợ hiển thị khoảng cách đi và đến, tính cước phí sơ bộ, vị trí xe taxi, vị trí đón khác, cũng cho phép thanh toán bằng thẻ, đánh giá tài xế… Bước đầu, một số khách hàng sử dụng và đã cho phản hồi khá tốt.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiện có khoảng 10 hãng taxi thiết lập được phần mềm ứng dụng để gọi xe và thanh toán điện tử cho khách hàng. Cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để có cạnh tranh lành mạnh.
Công Huyền