![]() |
Xuất khẩu cá tra năm 2017 dự báo đạt trên 1,7 tỷ USD
Tại họp báo về Hội chợ cá tra và các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam 2017, ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN%PTNN) cho biết, thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra sang các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Mexico… liên tục gặp khó khăn đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu tìm hướng chuyển các sang thị trường mới.
Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
Trước đây, cá tra được biết đến là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tuy nhiên, để “bơi” ra nước ngoài, con cá tra của Việt Nam phải trải qua rất nhiều khó khăn, vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các nước sở tại.
Trong khi đó, thị trường Châu Á với dân số hơn 3 tỷ người và đặc biệt là thị trường trong nước lại chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, từ năm 2016 nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đã thực hiện nhiều chương trình, chiến dịch để đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh bán hàng vào các chuỗi nhà hàng, siêu thị…
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, với hơn 90 triệu dân, dư địa còn rất lớn nhưng lâu nay thị trường nội địa dường như bị “xem nhẹ”. Vì thế, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác thị trường trong nước thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến...
“Trên thực tế, các sản phẩm cá tra chỉ quen thuộc với người dân tại các tỉnh phía Nam, tại các tỉnh phía Bắc cá tra vẫn là mặt hàng khá lạ lẫm. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã chủ trương trong năm 2017, sẽ phải từng bước vực dậy sức tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa, trong đó chủ yếu là tiềm năng tiêu dùng còn bị bỏ ngỏ ở các tỉnh phía Bắc”, ông Luân cho hay.
Hướng đến thị trường Trung Quốc
Chia sẻ với báo chí tại họp báo, ông Luân cho biết, Hội chợ cá tra không chỉ là một trong những hoạt động trọng điểm để quảng bá, thúc đẩy thói quen tiêu dùng cá tra trong nước, mà cũng là dịp để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các tỉnh giáp với biên giới phía Bắc nước ta.
Có thể thấy, trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng từ 24,2 - 88,7%/năm. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường năm 2016 đạt gần 305 triệu USD, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 và tăng gấp 4,17 lần so với 5 năm trước đó (năm 2012).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự gia tăng sản lượng xuất khẩu cá tra tại thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc sẽ tăng 1,5 lần thị trường Mỹ.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện cá tra của Việt Nam đang được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Đặc biệt, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong nhập khẩu cá tra. Nếu như trước đây chủ yếu nhập khẩu phụ phẩm để chế biến thành các sản phẩm, sau đó chuyển sang mua cá phi-lê để chế biến thành phẩm giá trị gia tăng cao để xuất khẩu.
Ngoài ra, do nhu cầu tiêu dùng nội địa tại các nhà hàng, khách sạn, bữa ăn trường học, công ty… của Trung Quốc tăng mạnh nên đối tác Trung Quốc bắt đầu chuyển sang mua cá nguyên con với sản lượng lớn để chế biến.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, nếu chỉ cần một người dân Trung Quốc ăn 1 con cá/năm thì sản lượng cá tra của Việt Nam đã lên 1,4 triệu tấn. Đây thực sự là thị trường tiềm năng, nhưng cũng là thị trường dự phòng cho doanh nghiệp Việt bởi thị trường EU tính đến nay đã là năm thứ 3 liên tiếp sụt giảm sản lượng.
Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hai quý đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 836,4 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Vasep cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc - Hong Kong tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 6/2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 171,4 triệu USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng từ 25 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Huyền Anh