Giá cà phê tại các vùng nguyên liệu Tây Nguyên cuối tuần qua (22/8) đã giảm tiếp xuống mức 35,3 - 36,1 triệu đồng/tấn. Giá cà phê Robusta sàn London và giá cà phê Arabica sàn New York cũng trên đà giảm sâu. Giá cà phê Robusta giao tại cảng Tp.HCM hiện còn 1.677 USD/tấn.
Thị trường đóng băng
Nhận định mới nhất của hãng tin Reuters cho biết giá cà phê Việt Nam yếu đã thúc đẩy nông dân găm hàng cho đến vụ mới và đợi giá tăng, trong khi nhu cầu mua là yếu.
Theo thăm dò của hãng Reuters, với ít nhất 1,67 triệu bao được dự kiến XK trong tháng 8 này và sản lượng vụ mùa là 27,2 triệu bao, Việt Nam vẫn có khoảng 7 triệu bao để xuất trong những tháng tới. Còn Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam ước tính dự trữ hiện nay là 300.000 tấn hay 5 triệu bao.
Các chuyên gia về thị trường cà phê bình luận rằng dù có nhiều áp lực bán ra trước mùa thu hoạch vụ mới nhưng giao dịch tại thị trường nội địa Việt Nam gần như đóng băng. Đây là nguyên nhân khiến nhà XK cà phê không dám ký kết những hợp đồng giao hàng nếu không tăng mức giá chênh lệch XK.
Điều dễ thấy nhất là hoạt động XK cà phê đã bị ảnh hưởng bởi giá giảm, găm hàng nhiều tháng qua. Vì giá lao dốc nên từ người trồng cà phê cho đến những đại lý, DN nhỏ cũng găm hàng chờ giá, khiến thị trường cà phê trầm lắng.
Lượng cà phê còn trữ trong dân hiện chiếm hơn 50% sản lượng toàn niên vụ
Các DN XK lớn loay hoay vì không mua đủ cà phê để giao hàng theo hợp đồng. Số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2015, cả nước XK cà phê ước đạt 792.000 tấn, với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, theo Bộ Công Thương, đã giảm đến 33% về khối lượng và giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Sau khi găm hàng thời gian dài, vấn đề quan tâm bây giờ đối với người nông dân là khi nào giá cà phê thế giới sẽ đổi chiều? Hiện tại, theo phân tích từ giới kinh doanh cà phê, đồng bản tệ các nước sản xuất cà phê chính như Brasil, Colombia, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam tiếp tục mất giá (do lây lan từ việc Trung Quốc phá nhân dân tệ) khiến giá cà phê càng có đà tuột dốc.
Không những thế, chỉ số USD đang tăng, rồi lượng cà phê thu hoạch ngày càng nhiều tại nhiều quốc gia đang hậu thuẫn cho việc đầu tư giá xuống. Trong khi đó, thị trường cà phê kỳ hạn rơi vào những ngày cuối của việc giới đầu tư tranh giành hợp đồng quyền chọn tháng 9, do đó áp lực thanh lý mạnh làm giá cà phê giảm sâu hơn.
Như vậy, rõ ràng việc người trồng cà phê ghim hàng để chờ giá lên vào thời điểm này là khá mạo hiểm.
Tính già có hóa non?
Theo các chuyên gia kinh tế, do vốn yếu, lãi suất ngân hàng cao, nên người trồng cà phê muốn găm hàng cũng chưa chắc giữ được lâu để chờ giá lên mà phải đem đi gá gởi cho các tay buôn trung gian. Điều đáng lo là khi lượng cà phê gởi kho đủ lớn, nhà buôn trung gian sẽ tìm mọi cách để lấy hàng giá rẻ của nông dân chỉ ngang bằng 70% giá trị thực, tức mức họ đã trả tiền ứng trước.
Chuyên gia thị trường cà phê, ông Nguyễn Quang Bình, cho rằng khi giá xuống, áp lực chốt giá bán ngăn lỗ cận kề, người gởi hàng đua nhau chốt giá bán đã ký gởi, tạo sức ép giảm mạnh trên sàn kỳ hạn… và kết quả đã rõ: thua thiệt là người gá gởi hàng và người mua hàng trữ giá cao không bán được phải đợi. Còn chủ kho mua cà phê với giá rẻ, chỉ bằng 70% giá trị thực, nhờ có tiền ứng trước. Mua rẻ, họ bán rẻ được và bán bất kỳ lúc nào.
Đó là chưa kể, vừa găm hàng vừa tự xoay vốn để tái đầu tư nên nhiều nông dân trồng cà phê không tránh khỏi áp lực lớn. Nhất là từ nay đến cuối năm, thời điểm trả nợ ngân hàng cận kề, cùng đó là chi phí lao động thu hái cà phê nên nguy cơ nông dân lỗ nặng sẽ hiện hữu bởi vì sau khi găm hàng, người trồng cà phê sẽ bắt buộc phải bán ra với mức giá không mong đợi.
Ông Đào Xuân Hồng, chủ một trang trại trồng cà phê tại xã Phú Túc, huyện Định Quán (Đồng Nai) chia sẻ: Không ai muốn bán cà phê khi giá thấp cả nhưng không ai cũng có điều kiện trữ hàng, trong khi giá cà phê đang sụt giảm mạnh trong thời gian dài. Những người trồng cà phê đang gặp khó là chi phí nhân công cao, tiền phân bón cao, lại thêm nguy cơ hạn hán, mất mùa. Cho nên, bây giờ dù đang tích trữ cà phê để chờ giá lên, nhưng nếu chờ lâu quá chắc cũng phải bán để trả nợ ngân hàng".
Có thể thấy, trên tất cả các thị trường cà phê thế giới, giá cả quyết định bởi cung cầu. Theo phân tích của giới chuyên gia thị trường cà phê, việc găm hàng cà phê chờ giá lên ban đầu thoạt nghĩ sẽ ngăn chặn đà giảm giá khi thiếu hụt hàng, nhưng khi tổng lượng găm hàng, tích trữ, "tồn kho" đủ lớn thì rất dễ sẽ gây tác dụng ngược.
Như vậy, chuyện các thương lái mua cà phê sẽ ép giá khi nông dân găm hàng là điều dễ hiểu. Với mặt bằng giá như hiện nay cũng như các năm trước đã cho thấy quá trình phát triển, sản xuất, kinh doanh cà phê đang ẩn chứa nhiều rủi ro mà người nông dân luôn là người gánh chịu những thiệt thòi trước tiên.
Nói chung, những nông dân trồng cà phê nên suy nghĩ cho kỹ trước quyết định găm hàng chờ giá của mình như dự tính. Chuyện găm hàng có thể không sai nhưng chỉ là nhất thời, điều cần thiết là phải lọc lõi, tỉnh táo lựa chọn thời điểm bán ra thích hợp để không phải hối tiếc.
Thế Vinh