Giá cà phê đi ngang so với cùng thời điểm ngày hôm qua. |
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 41.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 41.400 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 41.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 41.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 41.300 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.400 đồng/kg.
Theo đánh giá, các nhà đầu tư đã có sự hoảng loạn do lo ngại lạm phát và suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, với sự bùng phát trở lại của Covid-19 ở Trung Quốc và chiến cuộc Đông Âu ngày càng khốc liệt hơn.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định, liên tiếp 5 tuần qua, các quỹ giao dịch kinh doanh đều đã rút vốn khỏi thị trường tài chính, đây là nguyên nhân chính dẫn đến hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng giảm và đi ngang.
Vị chuyên gia đánh giá, những biến động gắt gao trên thị trường tài chính tuần qua cho thấy kinh doanh đầu tư thời buổi các ngân hàng trung ương làm giá, là cực kỳ rủi ro cho nhà đầu tư và người mua bán hàng hóa.
Khó khăn tiếp theo trong thời gian sắp tới của cà phê Việt Nam xuất khẩu còn phụ thuộc vào giá trị đồng Euro trong cặp tỷ giá EUR/USD. Vì Việt Nam bán qua EU nhiều. Giá trị đồng Euro với đồng USD nay đã gần ngang bằng.
Do vậy, chuyện hạn chế mua sắm, đi uống cà phê... của người châu Âu sắp tới sẽ càng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cà phê Việt Nam. Cho nên, dự báo sức mua cà phê Việt vì thế cũng giảm sút. Sức mua khó tức là hàng cà phê xuất khẩu Việt Nam gặp khó.
Cuối tháng này, thị trường tiếp tục có điều chỉnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ họp trong 2 ngày (26 - 27/7) về việc tăng lãi suất. Việc này được đánh giá ít nhiều ảnh hưởng đến giá cà phê trong nước trong thời gian tới.
Như Yến