![]() |
Cà phê giảm 500 đồng/kg tại một số vùng trồng trọng điểm. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 63.600 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 64.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 64.200 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 64.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 64.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 63.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 63.600 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 63.600 đồng/kg.
Tuy giảm nhưng mức cà phê nội địa vẫn được đánh giá là duy trì ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Ngay cả khi mức xuất khẩu tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay tính theo chu kỳ khi lượng tồn kho trong nước giảm dần. Trong khi theo tính toán của Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê của nước ta năm 2022-2023 là 1,5-1,6 triệu tấn, giảm 10-15% so với niên vụ trước.
Thiếu hụt nguồn cung là điều đã rõ ràng không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn được dự báo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là thu nhập của những người dân, thành viên HTX từ cây cà phê còn quá thấp, khó lòng trang trải cuộc sống.
Giờ đây, không ít người thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu và một số người đang chứng kiến mùa màng của họ bị ảnh hưởng do thay đổi thời tiết như hạn hán, lũ lụt và nhiều sâu bệnh hơn. Nhiều người cảm thấy họ đang gánh vác phần lớn gánh nặng khí hậu mà không nhận được hoặc nhận được rất ít quyền lợi và đang quyết định giảm diện tích hoặc không gắn bó với loại cây này. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở nhiều nước đang trồng cà phê trên thế giới.
Ước tính đến năm 2050, một nửa diện tích trồng cà phê Robusta hiện tại không còn thích hợp với loại cây này. 4/5 quốc gia trồng cà phê lớn nhất thế giới bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia có thể sẽ phải chứng kiến sự thu hẹp diện tích.
Dự báo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, mối lo ngại nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cà phê đang ngày càng nới rộng. Khi thiếu nguồn cung trầm trọng do thu hẹp diện tích, biến đổi khí hậu, mặt hàng này ngày càng trở nên đắt đỏ và có thể trở thành “xa xỉ”.
NY