Chưa năm nào mà trước thềm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, du lịch biển lại vắng lặng như năm nay. Những bãi biển nổi tiếng dọc miền Trung như Thiên Cầm, Nhật Lệ, Lăng Cô... không một bóng khách du lịch. Các hoạt động chuẩn bị khai trương du lịch biển như mọi năm cũng không còn náo nức.
Kinh tế biển miền Trung thất thu
Là nơi đầu tiên xuất hiện cá chết bất thường, vùng biển Hà Tĩnh cũng vắng bóng người, bởi nhiều người không dám ra biển. Kéo theo đó, nhiều nhà hàng, dịch vụ ăn uống ven biển cũng trở nên ế ẩm, đìu hiu. Một bãi biển dài với cát trắng, làn nước xanh biếc nhưng không một bóng du khách. Các nhà hàng ven biển bàn ghế trống trơn.
Tính đến thời điểm này, tại Quảng Bình, số khách hủy tour hoặc tạm hoãn đặt phòng ở các khu du lịch biển lên đến 30%. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, bởi lượng cá chết dạt vào bờ biển cao khiến không khí ở đây bốc mùi, hôi thối, ô nhiễm, cũng như làm xấu cảnh quan các bãi tắm. Thậm chí, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo tạm thời cấm du khách và ngư dân tắm biển để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, khi cơ quan chức năng chưa tìm ra mức độ ô nhiễm của nước biển.
Ngành du lịch biển ở Huế cũng điêu đứng. Du khách không dám tắm vì ngại nước biển ô nhiễm, không dám ăn hải sản ở các nhà hàng. Những hàng quán vốn thơm lừng các món cháo cá biển, mực biển, ghẹ biển đều không bóng người. Dọc bờ khắp nơi đều có hố chôn cá, mực chết.
Tình hình cũng không khá khẩm hơn ở Quảng Trị. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, sau gần một tuần, số lượng cá bị chết trôi dạt vào bờ biển được người dân thu gom lại lên tới khoảng 30 tấn.
Mùa du lịch hè sôi động từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 8. Tour miền Trung nói chung và Nam Trung bộ nói riêng chiếm khoảng 70% lượng khách du lịch trong nước. Trong đó tour du lịch biển được nhiều du khách lựa chọn. Tuy nhiên, do nạn cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng lớn đến kinh doanh du lịch biển ở khu vực này.
Càng gần đến thời điểm nghỉ lễ, nhiều công ty du lịch nhận được tin hủy tour của du khách đi biển ngày càng tăng. Đại diện công ty du lịch Vietrantour cho biết đến thời điểm này, có khoảng gần 200 khách quyết định hủy tour đến các bãi biển Nhật Lệ và biển Lăng Cô.
“Khách cho rằng họ đi biển để tắm biển, nhưng đang có những thông tin cho thấy nước biển có thể không bảo đảm an toàn, nên khách quyết định hủy tour. Một số khách, ngoài lo ngại về nước biển, họ còn hoang mang cả nguồn thức ăn được chế biến từ hải sản từ các điểm du lịch đó”, ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour, cho hay. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã tư vấn cho du khách chuyển địa điểm khác. Tuy nhiên, nếu du khách không đồng ý, doanh nghiệp du lịch sẵn sàng hoàn tiền cho khách. Đại diện Vietrantour cho biết ước tính trung bình mỗi khách, công ty này phải trả lại 6 triệu đồng khi hủy các tour ở Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh.
![]() |
Bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) với cát trắng, làn nước xanh biếc nhưng không một bóng du khách
Chống khủng hoảng cho du lịch biển
Hệ quả của tình trạng cá chết không chỉ ảnh hưởng đến công ty du lịch biển, doanh nghiệp kinh doanh biển mà cuộc sống của người dân vùng biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều ý kiến cho rằng ngành du lịch”du lịch cần sớm có thông tin đến du khách, tránh gây hoang mang và cùng vào cuộc xử lý dứt điểm những vấn đề môi trường tại khu vực biển miền Trung, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có kết luận nguyên nhân gây ra nạn cá chết tại các tỉnh ven biển miền Trung do thủy triều đỏ, ô nhiễm môi trường, lãnh đạo các tỉnh bị ảnh hưởng đã lên tiếng yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có những biện pháp bảo đảm an toàn về nguồn thực phẩm và khuyến cáo du khách không đến những địa điểm có ô nhiễm cao.
Dưới góc độ là đơn vị làm du lịch, ông Phạm Hà - Giám Đốc công ty Luxury Travel Việt Nam, lo ngại những tác động của việc cá chết hàng loạt ở một số bãi biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế như báo chí gần đây đã đưa, cả trước mắt và lâu dài.
Chắc chắn khách du lịch đi biển năm nay đến những vùng này sẽ sụt giảm đáng kể, do người dân lo ngại vấn đề sức khỏe, không dám tắm hoặc tham gia các hoạt động vui chơi ở bãi biển. Du khách cũng không dám ăn thủy hải sản vì lo ngại chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Điều này sẽ khiến cho nhiều nhà hàng, khách sạn có nguy cơ ế ngay cả trong mùa cao điểm (nghỉ hè).
Để giảm thiểu những thiệt hại cho ngành du lịch biển miền Trung trong thời gian ngắn, ông Hà kiến nghị Chính phủ phải khẩn trương vào cuộc và có ủy ban chuyên trách về vấn đề ô nhiễm. Cần đưa ra các thông tin chính xác và các hướng xứ lý ngay và thông báo khẩn cho các hiệp hội du lịch và lữ hành, cũng như truyền thông, tránh hoang mang. Còn hiện nay mọi việc đang quá chậm.
Tuy nhiên, hiện nay một số điểm du lịch lớn ở miền Duyên hải Nam Trung bộ cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin cá chết. Khách vào vùng Tuy Hòa và Nha Trang còn hoang mang, sợ vẫn bị ảnh hưởng do luồng hải lưu đưa chất độc hại vào. Bởi vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phải có phát ngôn chính thức ngay và luôn để khuyên du khách chuẩn bị mấy ngày lễ sắp tới tới vùng du lịch nào thì an toàn.
Trong tương lai, Việt Nam đang hướng đến phát triển ngành kinh tế biển như một ngành công nghiệp, bởi vậy, ngay bây giờ cần phải xây dựng cơ chế phát triển, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan biển, đảo, sạch sẽ về môi trường cả trên bờ và dưới nước.
Huyền Anh