Với quy mô hơn 2 tỷ USD (năm 2016) và tốc độ tăng trưởng 30%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã thu hút hầu hết các “đại gia” mỹ phẩm toàn cầu như: L’Oreal, Kanebo, Ohui, Whoo, The Body Shop, The Faceshop, Shiseido...
Về với thiên nhiên
Là thương hiệu có sản phẩm thiên nhiên vào Việt Nam sớm và khá thành công với mức tăng trưởng bình quân 10 – 20%/năm, đại diện Pureté By Prôvence (Pháp), bà Emma Roches, chia sẻ: “Ngay khi vào Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Kết quả cho thấy phụ nữ Việt Nam cũng muốn sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ nhiên nhiên như phụ nữ Pháp”.
Tương tự Pureté By Prôvence, hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm đến từ Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản như: L’Occitane, Kanebo, Ohui, Whoo, Sheseido, L’Oreal, Clarins… đều đồng loạt tung ra các dòng mỹ phẩm, dầu gội và dầu dưỡng tóc có chứa Vitamin C và E từ thiên nhiên và đạt được những kết quả tích cực.
Trong xu thế chung, các tập đoàn đa quốc gia (đang có nhà máy tại Việt Nam) như Unilever, Kao, P&G… cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên của Việt Nam như bồ kết, chè xanh, dưa leo, nghệ, tảo biển, lô hội, mật ong…
Đơn cử, dòng sản phẩm xà phòng thơm sử dụng thành phần chiết xuất từ trái bơ, dưa leo, dầu ôliu… của Unilever đang rất thành công. Ông Nghiêm Xuân Phong, đại diện Unilever Việt Nam, cho biết:
“Nguồn nguyên liệu thiên nhiên được Unilever chiết xuất không chỉ phục vụ cho nhu cầu sản xuất mỹ phẩm trong nước mà còn xuất khẩu một vài loại sang Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan”.
Thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam giờ đây không chỉ là “cuộc chơi” riêng của DN ngoại, các DN nội cũng đang tận dụng thời cơ để giành thị phần tại phân khúc mỹ phẩm thiên nhiên.
Có thể kể đến những nhãn hiệu quen thuộc như Miss Saigon (của Mỹ phẩm Sài Gòn), Thorakao (của Mỹ phẩm Lan Hảo), Thái Dương (của Sao Thái Dương), La na, E 100 (của Đại Việt Hương)…
Các DN Việt Nam, với ưu thế về nguyên liệu và tiến bộ nhanh chóng về khoa học kỹ thuật, đang dần có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa. Cuối năm 2013, công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Tân đã đầu tư xây dựng nhà máy mỹ phẩm thiên nhiên đạt tiêu chuẩn GMP, có công suất 43 triệu sản phẩm/năm.
![]() |
Mỹ phẩm thiên nhiên đang là “ngã rẽ” đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp mỹ phẩm
Sau ba năm, các dòng mỹ phẩm từ mủ trôm của Vĩnh Tân đã phát triển tốt, với mức tăng doanh thu 20%/năm. Công ty này hiện đã có hơn 200 đại lý phủ rộng toàn quốc.
Cũng trong năm 2013, công ty TMTM tung ra bộ mỹ phẩm chăm sóc da Moringa (chùm ngây) thương hiệu Tara cho thị trường trong và ngoài nước. Bà Phan Thị Tuyết Mai, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Dù đang chịu sức ép lớn từ mỹ phẩm ngoại nhưng với lợi thế về nguyên liệu, giá cả, công dụng tốt… các DN nội đang rất tự tin để đón đầu xu thế mỹ phẩm thiên nhiên”.
“Bài toán” nguyên liệu
Với những lợi thế của “chủ nhà”, các DN trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn nhất của mỹ phẩm thiên nhiên hiện tại là nguồn nguyên liệu. Hiện các DN mỹ phẩm Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 70%.
Bà Christine Nguyệt, Giám đốc công ty Mỹ phẩm Skina, cho biết: “Sản phẩm của Skina đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng 10%/tháng, có tháng tăng 30 – 40%. Tuy nhiên, hiện Skina mới chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất nhỏ, muốn phát triển, công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có vùng nguyên liệu hữu cơ, mà nhập khẩu giá quá cao”.
Giám đốc công ty TNHH Cỏ May, ông Phạm Minh Thiện, cũng cho hay: “Cỏ May có kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm cao cấp như tinh dầu cám gạo, tinh dầu hoa sen, nhưng chưa thể thực hiện do thiếu nguồn cám gạo hữu cơ đang vô cùng hiếm và khó kiểm soát”.
Thực tế, áp lực về nguồn cung nguyên liệu càng tăng cao khi nhu cầu sử dụng một số nguyên liệu cây trái truyền thống của Việt Nam như nghệ, bồ kết, dưa leo… của các DN nước ngoài và công ty đa quốc gia cũng đang gia tăng.
Trước thực tế trên, bà Lê Châu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm Singapore kiêm Giám đốc Pháp chế của Johnson & Johnson Asia Pacific, cho rằng những khó khăn trên có thể hóa giải được nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ. Các chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu sẽ giúp DN cạnh tranh tốt hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải hết “bài toán” nguyên liệu, các DN cần phải có chiến lược phát triển những vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao. Đề án phát triển ngành Dược đến năm 2030 đặt ra bốn mục tiêu: Phát triển bền vững; Gắn dược liệu vào sản xuất công nghiệp; Phải có đầu tư của Nhà nước về chính sách về nghiên cứu cây trồng; Bảo tồn và xã hội hóa để các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia.
Theo Bộ Y tế, mạng lưới bảo tồn dược liệu đang được duy trì tại bảy vùng sinh thái là Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và hiện nay đang phát triển rộng trên khắp Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn dược liệu tại các vùng nghiên cứu đang khá phong phú, điều cần làm hiện tại là đẩy mạnh khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng của dược liệu, nâng cao trình độ cho người dân nhằm khai thác tối đa hiệu quả của các vùng dược liệu.
Văn Nguyễn