Ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng Phòng giám sát quản lý (Cục Hải quan Tp.HCM), đưa ra một trường hợp cụ thể về vấn đề XNK cần sự giải thích rõ của Bộ Công Thương liên quan đến những giá trị pháp lý không còn hiệu lực.
Đơn cử như thủ tục cấp giấy phép NK xe mô tô phân phối lớn trong tài liệu do Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cung cấp, có dính đến Nghị định số 12/2006 quy định chi tiết về mua bán hàng hoá quốc tế.
Loại bỏ thủ tục thừa
Theo ông Thiện, nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 187/2013 rồi. Do đó, khi DN NK mặt hàng này, phải tới Bộ Công Thương xin giấy phép, trong khi cơ sở pháp lý là Nghị định 12 hiện không còn giá trị nữa.
Đây là vấn đề cần phải được Bộ Công Thương trả lời rõ ràng.
Như lưu ý của vị chuyên gia giám sát quản lý thuộc Cục Hải quan Tp.HCM tại buổi lấy ý kiến về thủ tục hành chính ngành công thương do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM ngày 27/9, vẫn còn nhiều thủ tục của Bộ Công Thương căn cứ vào Nghị định 12 vốn đã hết hiệu lực từ năm 2013.
Liên quan đến Nghị định 187/2013, mặc dù bộ này đang tiến hành các bước điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hội nhập, nhưng cũng nên xem xét và bỏ một số thủ tục bất hợp lý.
Thí dụ như hàng tạm nhập tái xuất. Trong Nghị định 187 có nói rằng đối với những mặt hàng NK thuộc danh mục có giấy phép thì muốn tạm nhập tái xuất phải được Bộ Công Thương cấp phép trên cơ sở đồng ý của các bộ quản lý chuyên ngành. Như vậy, có nghĩa là DN phải đến hai nơi. Nếu mặt hàng nào thuộc Bộ Y tế quản lý thì lúc tạm nhập tái xuất phải đến bộ này xin giấy phép, rồi sau đó mới đến Bộ Công Thương. Nhiều trường hợp khác cũng tương tự như vậy.
Trong trường hợp đó, ông Đặng Thái Thiện đề xuất cần đơn giản hoá thủ tục, chỉ cần giấy phép của bộ chuyên ngành, bởi lẽ, đối với bộ chuyên ngành, họ đã quản lý được rồi, còn tới Bộ Công Thương để xin giấy phép tạm nhập tái xuất nữa thì thực sự là không cần thiết.
Theo một ý kiến cụ thể của ông Minh, đại diện cho một hãng nước giải khát có vốn đầu tư nước ngoài, với chương trình khuyến mãi có tổng trị giá dưới 100 triệu đồng, trong Nghị định 37 có quy định là phải báo trước cơ quan quản lý nhà nước 7 ngày. Quy định đó tạo một khối lượng công việc vô cùng lớn về chi phí, nhân lực đối với các DN khi tổ chức chương trình khuyến mãi tại các địa phương.
Ông Minh cho biết trong dự thảo sửa đổi Nghị định 37 thấy có đưa ra nội dung này và cũng thấy đề xuất trong dự thảo là sẽ bỏ, đây cũng là nguyện vọng của nhiều DN hiện nay.
Bớt “vòng kim cô” cho doanh nghiệp
Cần đơn giản hoá
Ngay cả việc yêu cầu thông báo cho cơ quan quản lý trước 7 ngày khi chương trình khuyến mãi bắt đầu, theo ông Minh, cũng tạo khó khăn cho DN vì họ phải “đau đầu” tính trước việc tổ chức gấp đôi khoảng thời gian yêu cầu này dựa trên thời gian bưu điện chuyển thư đến.
Các DN cũng không xác định được là trong 7 ngày đó, phía cơ quan quản lý có ý kiến gì để DN được thực hiện. Liệu Bộ Công Thương có thể giảm thời gian nêu trên xuống được hay không?
Ở góc nhìn từ phía DN về điều kiện kinh doanh trong ngành công thương, bà Trần Thanh Hương, Trưởng Ban pháp chế (Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – PVFCCo), cho rằng với số thủ tục tương đối nhiều, vấn đề đặt ra là nó có thực sự cần thiết, có minh bạch và chuẩn hoá?
Theo bà Hương, khi DN SX-KD một lĩnh vực nào đó thì cần có điều kiện, có những điều kiện cần cấp phép nhưng cũng có những điều kiện không cần phải cấp phép. Các DN kinh doanh trong những lĩnh vực có điều kiện nhất thiết cũng nắm được thông tin và phải tự hiểu là có đáp ứng được những điều kiện đó theo quy định của pháp luật và không nhất thiết phải xin cấp phép.
Theo ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), trước mắt, trong việc xử lý các thủ tục hành chính tại bộ này, nghiêm cấm việc yêu cầu bổ sung thêm các tài liệu, giấy tờ mà pháp luật không quy định phải nộp hoặc có hành vi giải thích không đúng quy định pháp luật.
Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hoá 123 thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước ngành công thương, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 9 nghị định, 1 quyết định Thủ tướng, 2 thông tư liên tịch và 28 thông tư trong năm 2017.
Việc cắt giảm 675 điều kiện, tương đương việc cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh do bộ này đang quản lý, đang được các DN kỳ vọng sẽ có một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Thế Vinh