Bộ Tài chính cho rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô đăng ký mới không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Gần đây, trong đề xuất gửi Bộ Tài chính về chính sách bổ sung hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô đăng ký mới.
Tuy nhiên, đề xuất này không được sự đồng thuận từ Bộ Tài chính. Trong văn bản trả lời VAMA mới đây, Bộ Tài chính cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2020, Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước..., một số chính sách vẫn còn được áp dụng trong năm 2021.
Chẳng hạn, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021...
"Sau khi rà soát, Bộ Tài chính thấy đề xuất giảm phí trước bạ không phù hợp với bối cảnh hiện nay", cơ quan này cho biết.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu đề xuất giảm phí trước bạ được đưa ra sau ngày 31/12/2020, khi hết thời hạn áp dụng chính sách giảm 50% cho xe lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính từng thể hiện quan điểm việc giảm phí này không phù hợp do đây chỉ là "giải pháp ngắn hạn" hỗ trợ trước ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19. Chưa kể, riêng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2020 đã khiến ngân sách hụt thu 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đề nghị giảm phí trước bạ, VAMA cũng có kiến nghị giảm sản lượng xe sản xuất, lắp ráp của chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính cho rằng, gần đây, để tiếp tục thúc đẩy ngành ô tô phát triển phù hợp với bối cảnh mới, Chính phủ ban hành một số ưu đãi về thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô nói trên.
Cụ thể, đã bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học, xe ô tô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình để thúc đẩy phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường; sửa đổi quy định về mẫu xe và thủ tục, hồ sơ thực hiện Chương trình để giảm thủ tục hành chính.
Đồng thời, sửa đổi tiêu chí sản lượng chung tối thiểu của các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe để phù hợp với thực trạng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, có tính đến các yếu tố dự báo trong tương lai.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp thuộc VAMA trước mắt thực hiện theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Bộ sẽ cập nhật số liệu, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và diễn biến, tác động của dịch; phối hợp với các bên tham mưu chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.
Huyền Anh