Thị trường bán lẻ Việt Nam gần đây đã xôn xao, khi hãng tin Reuters đưa tin: Tập đoàn Casino của Pháp đã đồng ý bán số cổ phần đa số tại BigC Việt Nam cho Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat. Giá trị thương vụ được tiết lộ tới 1 tỷ Euro, tương tương 1,14 tỷ USD, khoảng 25.000 tỷ đồng.
Sẽ truy đòi tiền thuế?
Thương vụ chuyển nhượng “khủng” của BigC Việt Nam cũng đặt ra vấn đề có hay không hoạt động chuyển giá của tập đoàn Casino tại Việt Nam, như từng ghi nhận ở trường hợp Metro Cash & Carry Việt Nam? Và trong giao dịch chuyển nhượng vốn trị giá hàng tỷ USD này, cơ quan thuế Việt Nam sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền thuế?
Sau những thông tin tập đoàn Casino bán BigC Việt Nam, cơ quan thanh tra của Tổng cục Thuế đã vào cuộc, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của chuỗi 32 siêu thị BigC Việt Nam. Qua đó, sẽ làm rõ xem BigC Việt Nam có “né” thuế thông qua các giao dịch liên kết (chuyển giá) hay không.
Cơ quan thuế cho hay, theo Giấy phép đăng ký kinh doanh, tập đoàn Casino sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại Việt Nam và công ty Cavi Retail - có trụ sở đặt tại “thiên đường thuế” Hong Kong. Mặc dù tập đoàn Casino không đề cập tới công ty Cavi Retail, song pháp nhân này hiện sở hữu 3 công ty gồm: công ty CP Bất động sản Việt Nhật (chuyên cho thuê mặt bằng, với 32 siêu thị BigC tại Việt Nam), công ty TNHH dịch vụ EB (đặt tại Tp.HCM, chuyên phân phối hàng hóa cho cả hệ thống siêu BigC) và hệ thống 32 siêu thị BigC trên cả nước.
Những giao dịch liên kết này khiến cơ quan thuế nghi ngờ là có khả năng xảy ra việc chuyển một số khoản chi phí ra nước ngoài, như phí quản lý, phí nhượng quyền thương mại, lãi vay... Trong cuộc thanh tra BigC, nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, né thuế, thì sẽ làm rõ để truy thu thuế.
Về thương vụ chuyển nhượng BigC Việt Nam, Tổng cục Thuế cho biết công ty Cavi Retail chuyển nhượng hệ thống siêu thị BigC cho tập đoàn Central Group nhưng vẫn phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam, doanh nghiệp phải nộp thuế là 20% tính trên tổng trị giá chuyển nhượng trừ tổng vốn đầu tư và các chi phí. Có thể thấy, số tiền thuế chuyển nhượng mà BigC Việt Nam sẽ phải nộp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Kết quả phanh phui chuyển giá của Metro Cash & Carry liệu có lặp lại tại BigC
Sau BigC, Metro còn những ai?
Trong ba năm gần đây, Tổng cục Thuế Việt Nam và các Cục Thuế địa phương đã triển khai rốt ráo hoạt động thanh tra chuyên ngành về chuyển giá, nhắm tới doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nội có giao dịch liên kết, báo lỗ lớn, lỗ triền miên mà vẫn mở rộng đầu tư…
Nhờ đó, cơ quan thuế cũng nâng cao kinh nghiệm đấu tranh với hành vi chuyển giá của các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia, đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực, gồm: bất động sản, bán lẻ, sản xuất chế biến chè, thực phẩm… Qua các cuộc thanh tra, đã làm rõ vi phạm chuyển giá, trốn thuế và buộc doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật thuế Việt Nam, truy nộp hàng nghìn tỷ đồng thuế.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực bán lẻ, sau thương vụ chuyển nhượng hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam, Tổng cục Thuế đã tiến hành thanh tra doanh nghiệp để làm rõ hành vi né thuế.
Kết quả, cơ quan thuế “chỉ mặt” Metro có hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ - tập đoàn Metro tại Đức. Tổng giá trị vi phạm cần xử lý đã lên tới 507 tỷ đồng. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 110 tỷ đồng trong hoạt động quảng cáo, bị truy thu thuế chủ yếu là thuế nhà thầu, với lương chuyên gia nước ngoài là 62 tỷ đồng.
Cách thức của Metro được chuyên gia thuế chỉ rõ, Metro Việt Nam và công ty mẹ của tập đoàn Metro tại Đức đã ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu khi mới đặt chân vào Việt Nam. Mỗi năm, Metro Việt Nam phải trả cho công ty mẹ ở Đức một khoản tiền thương hiệu đáng kể, lên tới 731 tỷ đồng (từ năm 2006 đến 2013).
Đây được xem như hoạt động “gửi giá” qua trả tiền bản quyền thương hiệu, khiến cho Metro Việt Nam bị lỗ chênh lệch bất hợp lý là 245 tỷ đồng. Do thời hạn thanh tra chuyển giá chỉ trong vòng 5 năm, nên khoản lỗ của gian đoạn từ năm 2009 trở về trước, Metro chỉ phải tự điều chỉnh lại kết quả kinh doanh với số giảm 245 tỷ đồng. Sau giảm lỗ hàng trăm tỷ đồng, Metro Việt Nam đã chuyển từ thua lỗ nhiều năm (lỗ luỹ kế 598 tỷ đồng giai đoạn 2007 - 2012) sang hòa và có lãi.
Giai đoạn 2012 - 2013, công ty này tiếp tục báo lỗ tới 380 tỷ đồng. Sau khi cơ quan thuế yêu cầu giảm lỗ khấu hao 90 tỷ đồng, thì số lỗ mới giảm xuống 290 tỷ đồng…
Những kết quả phanh phui chuyển giá của Metro Cash & Carry Việt Nam liệu có lặp lại tại BigC Việt Nam? Nếu số lỗ “khủng” của BigC cũng được làm rõ là “lỗ ảo”, thì cơ quan thuế có thể truy thu tiền thuế rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tiếp sau hai đại gia bán lẻ nước ngoài, cơ quan thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, thanh tra nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế.
Hải Hà