Mới đây, trong cuộc họp thông tin nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về một số giải pháp để khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 (Yagi), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão càn quét khiến cho nhiều diện tích rừng tại một số tỉnh miền Bắc bị gãy đổ, gây thiệt hại đáng kể.
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ, Lạng Sơn có khoảng 2.000 ha rừng trồng bị gãy đổ, Bắc Giang có 5.100 ha bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Bên cạnh đó, rừng tại Ninh Bình, Hải Phòng,... cùng bị thiệt hại nhưng với mức độ nhẹ hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay dăm gỗ và viên nén gỗ là mặt hàng đang được các thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp cần có hướng dẫn các địa phương và chủ rừng có rừng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 để xem xét hiện trạng, từ đó xử lý. Đặc biệt, với diện tích những cây rừng gãy đổ không thể khôi phục được thì nên tiến hành khai thác ngay và trồng cây thay thế. Với những cây gỗ nhỏ, cành gỗ cần gom lại để đem về băm là dăm gỗ, viên nén gỗ bán, nhằm giúp bà con giảm thiểu về thiệt hại.
Hàng nghìn ha rừng trồng bị gãy đổ sau bão số 3. |
Tuy nhiên, trên thực tế sau bão Yagi, giá keo thu mua đang thấp hơn nhiều so với trước bão.
Tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), theo thống kê địa phương bị thiệt hại trên 14.650 ha cây lâm nghiệp; trong đó diện tích cây keo từ 2 - 6 tuổi, ước thiệt hại khoảng 14.500 ha, chiếm 40% tổng diện tích hiện có (khoảng 10.000 ha của hộ dân và 4.500 ha của các doanh nghiệp); làm gãy đổ khoảng 100ha cây thông và 50ha cây gỗ lớn (cây lim xanh 3 năm tuổi).
Ông Trần Ngọc Thủy, trú tại thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc cho biết, trước bão số 3 các doanh nghiệp thông báo giá thu mua gỗ keo đen (trên 5 năm tuổi) là 960.000/tấn, giá keo trắng bóc sạch vỏ là 1.170.000 đồng/tấn. Sau bão giá thu mua gỗ keo đen (trên 5 năm) là 750.000/tấn, giá keo trắng bóc sạch vỏ là 950.000 đồng/tấn. Đây là giá mua tại xưởng, còn nông dân phải mất tiền thuê người chặt, vận chuyển keo đến nơi thu mua. Trừ các chi phí chặt keo, vận chuyển thì mỗi tấn keo nông dân thu về chỉ còn khoảng 200.000 đồng.
Được biết, lâu nay, bà con đồng bào dân tộc tại địa phương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng, cây keo là chủ đạo. Trận bão số 3 đã "đánh" tan tác, gãy đổ cây lâm nghiệp của bà con, thiệt hại kinh tế rất nặng nề. Nhân dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Bí thư huyện ủy Ba Chẽ Vũ Thành Long cho biết, trong và sau thời gian bão đổ bộ, huyện đã khẩn trương thông tin, báo cáo lên tỉnh về tình hình thiệt hại cây lâm nghiệp và đề xuất các chính sách hỗ trợ, đồng thời tập trung chỉ đạo việc xác minh, thống kê số lượng nguồn cây giống cùng các chính sách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người dân và các tổ chức doanh nghiệp lâm sản nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính tới hết tháng 8 năm 2024, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bên cạnh những mặt hàng chính như ghế gỗ, nội thất... các doanh nghiệp xuất khẩu "gỗ vụn" như dăm gỗ và viên nén gỗ thu về được gần 2 tỷ USD chỉ trong 7 tháng đầu năm nay.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dăm gỗ của nước ta đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong ngành lâm sản, chỉ sau đồ gỗ nội thất và ghế khung gỗ. Cùng thời gian trên, gỗ viên nén của nước ta có kim ngạch xuất khẩu đạt 422,5 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hồng Hương